Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018
Chính trị - Ngày đăng : 05:40, 09/06/2017
Năm 2018 sẽ xem xét thông qua 21 dự án Luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong các ngày 23 và 31/5/2017, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018.
Hầu hết các ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, trách nhiệm trên nhiều mặt, nhằm đề cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và bảo đảm đúng tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua. Cụ thể:
Về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định, tại kỳ họp thứ 3 sẽ bổ sung 03 dự án vào Chương trình kỳ họp; lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến 02 dự án luật, đưa ra khỏi Chương trình 02 dự án luật .
Theo đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình cho ý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và đổi tên dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, do đây là năm đầu tiên thực hiện lập Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với nhiều yêu cầu mới về việc chuẩn bị hồ sơ, cách thức, trình tự, thủ tục lập Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chuẩn bị chặt chẽ, nghiêm túc trong suốt quá trình lập Chương trình. Các hồ sơ tài liệu được chuẩn bị đầy đủ, công phu và gửi đến đại biểu Quốc hội theo đúng quy định tại Điều 46 và Điều 48 của Luật Ban hành VBQPPL.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 9 dự án gồm: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua 10 dự án gồm: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (nếu có). Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 3 dự án Luật Công an xã; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Dự án Luật trình phải đạt chất lượng
Nghị quyết nêu rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội và coi đó là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết
Chính phủ phân công, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét để đưa vào Chương trình các dự án luật thuộc các nhóm sau đây: Các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền giao trong các văn bản cụ thể; Các dự án có nhu cầu bức thiết đáp ứng yêu cầu, khắc phục những bất cập, cản trở và thúc đẩy sự phát triển của đất nước; Các dự án cần thiết khác đã được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đề xuất.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội được sớm tiếp cận, tham gia ý kiến về dự án, dự thảo, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng luật, pháp lệnh.
Sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Trước đó, ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện nay đang tổ chức lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc. T
iếp đến, ngày 12/4/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và ngày 7/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23/2016/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, theo đó, nhấn mạnh việc bảo đảm khởi công và hoàn thành giai đoạn I của dự án Cảng HKQT Long Thành đúng tiến độ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội (năm 2025).