Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Chính trị - Ngày đăng : 14:05, 08/06/2017
Cụ thể, các ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội Hiếp dâm và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy phát biểu
Nhân đạo nhưng không nên dựa trên cảm tính
Theo báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành (phương án 1). Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội Hiếp dâm và tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (kể cả trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng).
Trong khi đó, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật do Chính phủ trình (phương án 2) là không xử lý hình sự đối với người độ tuổi này phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội) nêu vấn đề nên hay không nên mở rộng phạm vi xử lý hình sự đối với trẻ em 14-16 tuổi. Theo đại biểu, trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam cho đến trước khi Bộ luật hình sự 2015 được thông qua thì chỉ xử lý hình sự các em ở độ tuổi này nếu phạm tội rất nghiêm trọng khi cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 được mở rộng theo hướng xử lý nghiêm với trẻ em. Lứa tuổi 14 -16 thực chất là độ tuổi các học sinh đang học lớp 8, 9 đang ngồi trên ghế nhà trường. Bà Thủy đưa ra thống kê do Viện KSND tối cao cung cấp: Trong các năm từ 2014 đến 2016 chỉ có 122 em bị truy tố tội cố ý gây thương tích. Chia trung bình mỗi năm mỗi địa phương chỉ có một em gây thương tích phải xử lý hình sự. 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này chứng tỏ rất ít em phạm tội 3 tội danh trên.
Theo đại biểu Thủy, xử lý như luật hiện hành là rất nặng với các em và dường như không còn ranh giới với người lớn. Đây là độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý dễ dẫn tới các hành động bột phát. Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều đi theo xu hướng xử lý nhân đạo hơn với trẻ vị thành niên và phân hoá rõ ràng giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội. “Xử lý đối với người chưa thành niên không nên xử nặng nhưng không có nghĩa nương nhẹ hay dung dưỡng vi phạm các em. Xử lý như thế nào để cho các em còn quay lại với cuộc đời còn rất dài phía trước”. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Ủng hộ phương án 2, Đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) nhận định loại tội phạm này không diễn biến phức tạp và gia tăng như chúng ta lo ngại. Thực tế đáng lo ngại, tại các trại giam, nhà tạm giữ ở nhiều nơi quá tải, không có nơi giam giữ riêng cho độ tuổi chưa thành niên.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định đối với trẻ em nhận thức còn hạn chế, chủ yếu không nhận thức được các tội phạm ở tầng cao như các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn, trẻ em thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như đánh nhau, bạo lực học đường...
Theo đại biểu Nhưỡng, để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt. Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng việc nhân đạo cũng cần phải có đạo lý, không nên dựa trên nền cảm tính. Hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất.
Cần xây dựng chế tài pháp luật mạnh hơn
Đại biểu Lữ Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta trong việc xử lý với người chưa thành niên, trẻ em phạm tội rất nhân đạo với biện pháp răn đe, giáo dục và giúp đỡ họ sửa lỗi lầm là chính. Tuy nhiên, trước tình trạng trẻ em phạm tội gia tăng và ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải xây dựng chế tài pháp luật mạnh hơn, pháp luật cần đưa ra những khung hình phạt cụ thể. Bởi vì phía sau những vụ án bao giờ cũng là nỗi đau của người bị hại.
Nếu nói về tính nhân đạo thì chúng ta cần xem xét thật toàn diện, khách quan đối với người phạm tội và người bị hại. Pháp luật Việt Nam luôn có tính nhân văn, thể hiện ở quy định của Bộ luật hình sự đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội nếu điều luật áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định (Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015) điều này chứng tỏ pháp luật đã thể hiện tính nhân đạo đối với trẻ em phạm tội.
Ông Hải cho biết, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, phiên thảo luận tại hội trường ngày 24/5/2017, có vị đại biểu Quốc hội phát biểu nêu ví dụ thực tế có trường hợp trẻ em ra tòa, khi tòa án xét xử phát biểu: “Nếu em biết như thế này em không phạm tội”. Điều này thể hiện phương án 1 có tính giáo dục, giúp các em nhìn nhận ra lỗi lầm, nhận thức được pháp luật chứ không đưa các em vào vòng lao lý. Vì vậy, nhằm đảm bảo tính răng đe, ngăn ngừa, hạn chế tội phạm trẻ hóa, đảm bảo công bằng trong xử lý tội phạm, thực thi triệt để pháp luật nhằm ổn định trật tự xã hội.
Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự, xét xử cần áp dụng triệt để và phổ biến các biện pháp tư pháp, các hình phạt giảm nhẹ, cần xem xét một cách khách quan, tâm lý, hoàn cảnh, nhân thân, mức độ thành khẩn khai báo để áp dụng hình phạt có tình, có lý mang tính răn đe, giáo dục là chính đồng thời trong giải quyết người chưa thành niên phạm tội cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống thượng tôn pháp luật trong giới trẻ hiện nay.