Tiền nào của nấy

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Không lẽ cứ hội nhập, kinh tế thị trường mà quên đi chân lý ngàn đời rằng "Tiền nào của nấy". Điều trông thấy kỳ này là chuyện các dự án điện bị chậm tiến độ do “bẫy thầu giá rẻ” để suy nghĩ về đấu thầu hay đấu giá?

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã nhiều lần lên tiếng về việc hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VI đều bị chậm tiến độ. Đó là các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ; các nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1… Có dự án chậm đến 3 năm trở lên như các nhà máy nhiệt điện: Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1…


Trong danh sách rùa này các dự án do các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1… có những dự án còn chưa triển khai, chậm tiến độ từ 2-3 năm. Lý do chủ yếu là do năng lực nhà thầu yếu cả về kinh nghiệm và khả năng thu xếp vốn.


Nhà thầu hứa lèo về công nghệ, thiết bị trong khi đưa ra giá nhận thầu thấp đúng yêu cầu của chủ dự án. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho hay, sự yếu kém của các nhà thầu không chỉ tạo ra những bất cập trong giai đoạn triển khai dự án mà trong cả giai đoạn vận hành sau này, khi mà công nghệ và các tiêu chuẩn áp dụng lạc hậu nên thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành.


Các chuyên gia dễ dàng chỉ ra điều mà họ gọi là lỗi kinh tế trong pháp lý khi theo quy định của Luật Đấu thầu, giá lại là tiêu chí quyết định. Điều này đã biến đấu thầu thành đấu giá. Hiệp hội này đã nhiều lần cảnh báo và kiến nghị về tính nghiêm trọng của vấn đề này.


Theo đề xuất của VEA, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng xây dựng nhà máy điện. Các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước…) nên được ưu tiên và xem là các yếu tố quyết định. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam…


Trong sơ đồ điện VII đã có hiệu lực, các dự án sẽ tiếp tục được hoạch định và lại có đấu thầu. Trong khi chưa thể sửa đổi Luật Đấu thầu, các cơ quan hữu quan cần tiến hành một cuộc tổng kiểm tra danh sách các nhà thầu có “vấn đề” để thẳng cánh “nói không” với các nhà thầu Trung Quốc hơn một lần hứa lèo, lỗi hẹn.


Theo đó, lỗi hệ thống này chỉ có thể khắc phục khi sửa đổi Luật Đấu thầu cùng với việc tăng cường nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, gạt bỏ các nhà thầu kém năng lực. Và khi ấy dự án mới đúng tiến độ, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt nhất của nguyên tắc "tiền nào của nấy" bởi của rẻ là của ôi!


Bảo Văn

congly.com.vn