Để trẻ an toàn trên mỗi cung đường

Giao thông - Ngày đăng : 08:37, 20/12/2018

Thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) tuy giảm cả ba tiêu chí, song vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Đáng nói là tỷ lệ trẻ em bị thương vong do TNGT gia tăng để lại niềm đau thương và gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Gia tăng số trẻ thương vong do tai nạn giao thông

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có 962 trẻ em bị thương vong do TNGT. Trong đó, tỉ lệ trẻ thiệt mạng khi đi bộ một mình chiếm 36%. Tỷ lệ trẻ dưới 14 tuổi bị chấn thương sọ não do TNGT chiếm 13,4%. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) là hai trong số những địa phương có tỷ lệ trẻ em bị thương vong do TNGT cao nhất cả nước.

Cụ thể, tại TP. HCM, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2018, ở độ tuổi từ 0 - 18 tuổi đã có 36 người thiệt mạng, 15 người bị thương vì tai nạn giao thông, chiếm tới 7,2% tổng số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn. Năm 2017, con số này khoảng 6,6%. Còn tại Hà Nội, tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn, trong đó có TNGT của học sinh cấp trung học phổ thông tại Hà Nội ở mức 7,39/100.000 học sinh. Con số này cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so với Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc).

Có nhiều nguyên nhân khiến số trẻ em bị TNGT không ngừng gia tăng, trong đó không thể nhắc đến vai trò của các bậc phụ huynh. Trên thực tế nhiều gia đình nuông chiều, giao cho các em phương tiện khi các em không đủ điều kiện điều khiển, chẳng hạn mô tô, ô tô. Hoặc không trang bị cho các em kiến thức cơ bản nhất khi tham gia giao thông như không được chở quá số người quy định, không chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, không vượt tín hiệu đèn giao thông...

Để trẻ an toàn trên mỗi cung đường

Xử lý nghiêm học sinh vi phạm giao thông

Khi ngang qua các thành phố lớn vào giờ tan trường, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh chạy xe đạp dàn hàng ngang giữa đường, bá vai nhau trong lúc điều khiển xe, hoặc vi phạm các lỗi như: chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ, ngồi xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH)... Thậm chí ngay cả trong số các phụ huynh thì nhiều người cũng không có ý thức, thái độ đúng đắn về ATGT, đặc biệt là trước cổng trường. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn có không ít phụ huynh đậu xe dưới lòng đường chờ con tan trường, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe gắn máy với tư thế không an toàn, ngang nhiên đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…

Một điều đáng lưu tâm nữa là nhiều bậc phụ huynh đưa đón con em chưa thực sự coi trọng việc cho trẻ đội mũ bảo hiểm, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khi chẳng may tai nạn xảy ra. Theo Ban An toàn giao thông TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của người dân thành phố, nhất là người lớn rất cao: từ 90 - 95% trở lên, nhưng với trẻ em, vào những đợt cao điểm kiểm tra xử phạt đạt từ 80 - 90%, khi qua đợt lại giảm hẳn.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện pháp luật đã quy định, trẻ trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xem đạp điện. Đây là quy định rất hợp lý, nhằm giảm tỷ lệ thương vong ở trẻ nếu không may xảy ra TNGT. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban ATTG Quốc gia thì tỷ lệ trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm hiện chỉ đạt 30%. Đây chính là điểm tối trong bức tranh sáng màu về việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân khiến số trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm thấp nhưng nguyên nhân đầu tiên thuộc về người lớn. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ không nêu gương trong đội mũ bảo hiểm. Nếu cha mẹ cho rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đương nhiên phải thực hiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của trẻ em, giống như không được sờ tay vào điện. Còn nếu cha mẹ thấy rằng, việc đội mũ bảo hiểm là đối phó thì tâm lý sẽ truyền lại cho trẻ.

Thế nên, muốn giảm tỷ lệ trẻ em bị TNGT, trước hết bản thân phụ huynh học sinh phải là tấm gương và nhắc nhở, xây dựng cho con em mình có nhận thức và hành vi văn hóa giao thông; chú ý cho trẻ em đi xe vừa với tầm vóc của mình; không cho trẻ dưới 12 tuổi đi xe đạp và trẻ dưới 18 tuổi đi xe máy ra đường; luôn giúp trẻ bảo đảm xe hoạt động tốt; không tham gia cổ vũ đua xe trái phép; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; dạy và hướng dẫn trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; nhường đường cho người đi bộ; dừng và đi theo tín hiệu đèn giao thông; không lạng lách, đánh võng trên đường; không dàn hàng ngang, đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho từng loại xe; tuân thủ đúng các loại biển báo; không cho trẻ chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè khu vực đỗ ô tô; phải chú ý quan sát xung quanh trước khi qua đường…

Để trẻ an toàn trên mỗi cung đường

 Tập thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Người lớn cần làm gương cho trẻ

Thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để giảm tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung và TNGT nói riêng. Năm 2018 cũng được Ủy ban ATGT Quốc gia đã quyết định chọn là “Năm ATGT cho trẻ em”, lấy trẻ em làm trung tâm bảo vệ và tuyên truyền kiến thức về ATGT, TNGT, từ đó tạo sức lan tỏa đến từng người thân và cộng đồng chung quanh, để vấn nạn giao thông phải được ý thức đến tế bào nhỏ của xã hội; phấn đấu giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí từ 5-10%, riêng thương vong với trẻ em do TNGT giảm dưới 10%.

Đồng thời, Ủy ban ATGT quốc gia cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ban hành quy định về khu vực ATGT xung quanh trường học từ bậc mầm non đến THPT. Ngành Giáo dục và các trường học phải tích cực tuyên truyền, giáo dục về ATGT để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Phải hoàn thành xây dựng chương trình giáo dục ATGT cho toàn bộ các cấp học từ mầm non đến THPT, triển khai đồng bộ từ năm học 2018 - 2019.

Ở góc độ xây dựng pháp luật, để thực hiện được mục tiêu ATGT cho trẻ em, các văn bản pháp luật liên quan tới ATGT cho trẻ em sẽ tiếp tục được chú trọng, sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu ban hành quy định chặt chẽ hơn về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe buýt và xe hợp đồng chở học sinh; quy định về ghế và dây an toàn dành cho trẻ sơ sinh trên xe ô tô... Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng các tuyến đường, bảo đảm điều kiện đi bộ và sang đường an toàn cho trẻ em cũng quan tâm, chú trọng đầu tư; trẻ em là con các nạn nhân tử vong hoặc bị thương tật nặng do TNGT cũng được xem xét để hưởng các chế độ hỗ trợ, tạo cơ hội phát triển…

Để trẻ an toàn trên mỗi cung đường

Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông

Các ngành, các cấp đang có nhiều giải pháp bằng các hoạt động thiết thực để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông,song theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để tỷ lệ trẻ em bị TNGT giảm xuống thì nhất định phải xây dựng được ý thức tham gia giao thông của các em. Khó có thể chấm dứt TNGT nhưng hoàn toàn có thể hạn chế hiểm họa này thông qua tuyên truyền, giáo dục. Việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT là vô cùng cần thiết và hữu ích, giúp các em nâng cao kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, phán đoán và lường trước được tình huống giao thông để ứng biến, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng, đoàn thể và nhà trường cần tuyên truyền để các em thấy rõ những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm họa của tai nạn giao thông đối với sức khỏe, qua đó giúp các em có hiểu biết và tuân thủ tốt hơn các quy tắc và luật lệ an toàn giao thông. Cũng có thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền do các em làm chủ như thành lập nhóm tuyên truyền, câu lạc bộ tuyên truyền trong chi đội, chi đoàn, khu phố, cụm dân cư để cung cấp những kiến thức thiết thực về an toàn giao thông. Thường xuyên tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về Luật An toàn giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt, tuân thủ pháp luật về ATGT ở mọi lúc, mọi nơi.

Cùng với thầy cô, nhà trường, cha mẹ cần là người trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Thói quen ấy cần được hình thành và nuôi dưỡng mỗi ngày, mỗi khi ra đường. Đặc biệt, mỗi phụ huynh phải tuyệt đối là những tấm gương tự giác chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo ATGT để trẻ em, học sinh ghi nhớ và noi theo. Cùng với đó, để bảo vệ trẻ em từ hôm nay, các bậc phụ huynh không cho trẻ tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và kinh nghiệm xử lý tình huống, thậm chí không chở trẻ khi trên người trẻ chưa trang bị mũ bảo hiểm.

Đồng thời, không chỉ giáo dục suông cho trẻ về chuyện chấp hành pháp luật ATGT bằng lý thuyết mà nhất định phải cho trẻ thấy thái độ tôn trọng pháp luật, cẩn trọng với tay lái cũng như quý trọng sự an toàn của những người cùng đi trên đường mà người lớn thể hiện. Đó là cách dạy và bảo vệ trẻ chủ động nhất, giúp trẻ an toàn trên mỗi cung đường.

Đặng Giang