Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị thăm chính thức Nhật Bản

Chính trị - Ngày đăng : 16:04, 03/06/2017

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 4-8/6/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị thăm chính thức Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4/6-8/6/2017 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và dự Hội nghị Tương lai châu Á có ý nghĩa rất quan trọng xét cả trên bình diện quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như trên bình diện khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Nhật Bản, thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực, nêu quan điểm của Việt Nam về quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh mới nhiều biến động, về các thách thức chung đối với châu Á và giải pháp ứng phó; quảng bá hình ảnh, chính sách kinh tế của Chính phủ mới của Việt Nam.

Hội nghị Tương lai châu Á là một trong những diễn đàn thường niên, có uy tín ở châu Á, do Tập đoàn truyền thông Nikkei (Nhật Bản) tổ chức.

Hội nghị lần này với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường – Bước đi tiếp theo của châu Á” sẽ tập trung thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, ASEAN, vấn đề an ninh của châu Á...

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo cấp cao nhiều nước trong khu vực như Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak,  Phó Tổng thống Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Tsend Munkh-Orgil, Cố vấn an ninh quốc gia Myanmar Thang Tun... và một số lãnh đạo tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn và học giả.

Theo lời mời của Nikkei, những năm gần đây, Việt Nam đều dự Hội nghị cấp cao (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2009; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2010; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm 2011; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, năm 2012; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2013; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2014; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2015; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2016).

Đề cập đến hoạt động của chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường xác nhận thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị cho toàn bộ chuyến thăm, trong đó có các nội dung kinh tế.

Thủ tướng sẽ có các cuộc làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ, sản xuất chế tạo, tin học..., và đi thăm một số trụ sở và cơ sở sản xuất của các công ty, tập đoàn đang có ý định đầu tư lớn vào nước ta trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tiếp lãnh đạo các tổ chức kinh tế quan trọng như Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) để bàn về các định hướng hợp tác về ODA, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm tới.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt-Nhật với chủ đề "Hướng tới kỷ nguyên mới của quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản."

Đây sẽ là diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay giữa hai nước với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, trong đó khoảng 1.300 là đại diện của các tập đoàn, công ty sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của Nhật Bản cùng với hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm rất cao của Chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản tới các tiềm năng hợp tác, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng và minh bạch tại Việt Nam, một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dành nhiều thời gian để trực tiếp lắng nghe và giải đáp các nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

Tại Osaka, Thủ tướng cũng có nhiều cuộc làm việc với các tập đoàn, công ty lớn của Nhật Bản ở khu vực Kansai.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ dự lễ cắt băng khánh thành "Tuần lễ hàng Việt Nam" với hàng chục gian hàng bày bán các sản phẩm, hàng hóa, nông sản của Việt Nam tại một siêu thị lớn của Nhật Bản.

Theo  nhận định của Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang ý nghĩa khẳng định lại một mối quan hệ song phương hữu nghị, ổn định. Giáo sư tin tưởng trên cơ sở này, quan hệ hai nước sẽ có một bước tiến mới.

Cũng theo khẳng định của Giáo sư Kenichi Ohno, quan hệ Việt-Nhật là một mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ chính trị, kinh tế, giao lưu nhân dân, là mối quan hệ tốt đẹp hiếm có trên thế giới. 

Ngọc Mai