Vung tay quá trán

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Thảo luận về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị vẫn không quán triệt theo tinh thần Nghị quyết 11.

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, trong điều kiện rốt ráo thực hiện Nghị quyết 11, ước tính thực hiện chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước năm 2011 tăng 17.800 tỉ đồng, so với dự toán. Theo báo cáo này, tỷ lệ tăng không lớn (dưới 4%) nhưng số tuyệt đối là gần 18.000 tỷ đồng sẽ là gánh nặng ngân sách.


Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy, vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, cho vay, tạm ứng sai chế độ chậm thu hồi. Đáng quan ngại là tình trạng chi tiêu vượt định mức, vượt tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra khá phổ biến và chậm được khắc phục. Được biết, theo một thống kê chưa đầy đủ, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã xuất toán, kiên quyết từ chối thanh toán 239 tỉ đồng đối với 28.900 khoản chi của 15.000 lượt đơn vị.

Ngoài ra qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước cũng cắt giảm hơn 465 tỉ đồng của 18.043 dự án chi sai tiêu chuẩn, định mức. Cộng riêng hai khoản này đã thấy nếu buông lơi một chút, sẽ có trên 700 tỷ ngân sách đội nón ra đi không trở lại. Số tiền này đủ xóa đói giảm nghèo cho không dưới 30.000 hộ.


Lâu nay chúng ta coi nhẹ việc quản lý sử dụng tài nguyên đất sao cho có hiệu quả. Một báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho hay với 260 khu công nghiệp có tổng diện tích 71.000ha đất nhưng mới sử dụng 50% quỹ đất này. Đáng lo ngại là tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập, tiêu thụ khoáng sản chưa qua chế biến tăng cao hơn so với cùng kỳ, trong khi mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường quá thấp. Theo Tổng cục Hải quan xuất khẩu quặng thô có chiều hướng gia tăng cùng kỳ năm ngoái.

Trong số 1.081,4 tỷ đồng tiết kiệm từ việc tạm dừng mua sắm tài sản công thì việc tạm dừng mua sắm xe ô tô tiết kiệm được 514,4 tỷ đồng (Ảnh: Internet)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng báo động về tình trạng, một bộ phận dân cư có thu nhập cao đang chạy theo xu hướng tiêu dùng phô trương, xa hoa, hình thức. Một thủ phạm gây nhập siêu đã được chỉ ra, đó là những khoản ngoại tệ chi mua ôtô siêu sang, điện thoại hiện đại, mỹ phẩm cao cấp và thực phẩm đặc biệt như thịt bò Úc, Kobe, rượu đắt tiền… dấy lên tâm lý lo ngại cuộc vận động tiêt kiệm sẽ chỉ là hình thức!


Người dân thường cũng vung tay quá trán khi chi tiêu nhiều hơn thu nhập. Tiêu dùng lãng phí khiến cho cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” chưa thực sự đi vào cuộc sống. Xem ra công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức và chưa tạo được dư luận xã hội trong phê phán những hành vi lãng phí.


Sẽ là không thừa khi lưu ý trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống nhân dân đang đứng trước khó khăn, thì vẫn có nhiều lễ kỷ niệm năm chẵn thành lập tỉnh, huyện, tái lập tỉnh, kỷ niệm truyền thống ngành rềnh rang và có đến 500 lễ hội được tổ chức trong năm 2011, gây lãng phí không sao kể xiết!

Bảo Dân

congly.com.vn