Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Nêu cao trách nhiệm, trí tuệ đáp ứng nguyện vọng cử tri
Chính trị - Ngày đăng : 14:30, 22/05/2017
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung nghiên cứu tài liệu, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Tiếp tục đổi mới, tăng cường tranh luận, đối thoại
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. Do vậy, hoạt động lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, 13 dự án luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. Bên cạnh đó, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ gửi đến các vị ĐBQH để nghiên cứu.
Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thảo luận Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Cùng với các nội dung quan trọng trên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thảo luận và quyết định một số dự án quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.
Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung nghiên cứu tài liệu, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Báo cáo nêu rõ: Triển khai các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách ứng phó phù hợp, kịp thời.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng lãng phí. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng chống thiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12.2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại.
Tín dụng tăng 5,75% cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 16,8%, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh. Tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế; tổng thu NSNN đạt 32,7% dự toán cả năm, tăng 17,8%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6% tỷ USD, tăng 40,5%. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong 4 tháng có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 825 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cũng cho biết, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi tốt hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều hội nghị về phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tổ chức các hội nghị về lúa gạo và phát triển ngành tôm; chỉ đạo hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó nhiều cơ quan, tổ chức, người dân đã tích cực chia sẻ, chung tay hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu, hành tím, thịt lợn… Khu vực nông nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ, quý I tăng 2,03% (cùng kỳ giảm 1,31%); kim ngạch xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt 10,76 tỷ USD, tăng 9,1%. Xuất khẩu gạo, thủy sản có xu hướng tốt, giá ổn định ở mức khá, có lợi cho người sản xuất…
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ (5,48%). Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 5,1%, chủ yếu do lĩnh vực khai khoáng giảm 9,7%, trong đó dầu thô giảm đến 14,2%; ngành chế biến chế tạo, linh kiện điện tử tăng thấp hơn cùng kỳ. Việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra.
Kiên quyết xử lý trách nhiệm Đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.
Trong số 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, có 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.547 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trình bày Báo cáo các ý kiến tổng hợp của cử tri của cả nước tại Lễ khai mạc
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ngoài ra các vấn đề được cử tri quan tâm đóng góp ý kiến như: Đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu quả giám sát về an toàn thực phẩm; Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác trấn áp các loại tội phạm... , thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là một trong những vấn đề nổi bật được được đông đảo cử tri ghi nhận đánh giá cao. Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện được quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân.
“Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh. Cử tri và nhân dân hoan nghênh các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 (khóa XII) của Đảng” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Do đó, cử tri và nhân dân yêu cầu các cơ quan, tổ chức, trước hết là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 04 (khóa XII) của Đảng, phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn phản ánh về việc sắp xếp cán bộ, công chức ở một số nơi chưa phù hợp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Cử tri và Nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp; chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở.