TANDTC đã trả lời 100% kiến nghị của cử tri
Chính trị - Ngày đăng : 22:38, 17/05/2017
Đó là nội dung mà Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã được UBTVQH cho ý kiến ngày 16/5.
2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri
Theo Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với UBTVQH tổng hợp được 2.901 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Qua theo dõi, tổng hợp, Đoàn đã phân loại các ý kiến, kiến nghị thành 6 nhóm vấn đề gồm: Sản xuất, kinh doanh; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đấu tranh phòng chống tham nhũng; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong các nội dung đó, cử tri quan tâm nhiều về vấn đề thanh tra, kiểm tra xử lý khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri cho rằng, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt. Vì vậy cử tri đề nghị có giải pháp quyết liệt, hiệu quả đấu tranh phòng, chống thực trạng này; tăng cường thanh tra vụ việc, thanh tra đột xuất, kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm đặc biệt là thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng nhiều công trình đầu tư dàn trải, thiếu kiểm soát, kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí. Cử tri cũng cho rằng, việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân theo quy định của pháp luật tại nhiều nơi, đặc biệt là ở cấp xã/phường, quận/huyện, còn chưa được coi trọng dẫn đến việc xử lý các khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt trong lĩnh vực thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài có dấu hiệu gia tăng...
Đối với các hoạt động của TANDTC và VKSNDTC, có 13/3.320 kiến nghị. Nội dung kiến nghị đề cập đến công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán; biên chế và phụ cấp một số chức danh của TAND cấp huyện và biên chế cho ngành Kiểm sát; việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để giảm thiểu tỷ lệ án oan sai; khẩn trương giải quyết dứt điểm đối với các vụ án oan, sai đã được kết luận thời gian vừa qua (về mức độ, trách nhiệm bồi thường, công khai xin lỗi người bị oan, trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai...); khẩn trương giải quyết các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; về hướng dẫn xử lý đối với các tố giác, tin báo về tội phạm; về cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp tại các địa phương hiện còn rất hạn chế, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ, đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm...
100% kiến nghị của cử tri được trả lời
Với những kiến nghị trên, TANDTC đã trả lời 10/10 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Việc trả lời tập trung cung cấp đến cử tri một số thông tin về quy định, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán; công tác kiểm tra hoạt động của các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử để giảm thiểu tình trạng oan sai; việc khẩn trương giải quyết dứt điểm những vụ án oan sai trong thời gian qua. Trong đó, tiếp thu ý kiến cử tri, Tòa án đang khẩn trương xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã để xảy ra oan sai và sẽ công khai cho cử tri được biết. Ngoài ra một số thông tin về công tác hướng dẫn, thống nhất áp dụng pháp luật cũng đã được trả lời tới cử tri. Một số kiến nghị khác, Tòa án đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật liên quan đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức TAND; biên chế, chế độ phụ cấp liên quan đến một số chức danh của Tòa án cấp huyện.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao chất lượng Báo cáo; có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban Dân nguyện đã hoàn thiện báo cáo tương đối đầy đủ trên nhiều lĩnh vực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đều theo đúng tinh thần phải có định lượng, hoặc là theo số lượng đoàn, hoặc là theo số liệu thống kê. Sắp tới cần phân chia các kiến nghị, đề xuất theo từng lĩnh vực và mỗi lĩnh vực chiếm bao nhiêu % ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Muốn vậy cần thay đổi thực tế hiện nay, việc gửi ý kiến tổng hợp của các đoàn đại biểu Quốc hội chưa thống nhất là bằng bản giấy hay bản điện tử. Báo cáo cần bảo đảm hợp lý về tương quan, mức độ; nêu rõ địa chỉ kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ hay chính quyền địa phương...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban Dân nguyện cần phân tích, làm rõ thêm nhận định trong báo cáo nêu việc giải quyết các kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, mặc dù các bộ, ngành đã tích cực cố gắng giải quyết dứt điểm được nhiều kiến nghị nhưng do nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề lớn, nhiều lĩnh vực; có vấn đề cần tổng kết, đánh giá từ thực tiễn; nguồn lực còn hạn chế nên chưa thể giải quyết ngay, đầy đủ những vấn đề cử tri kiến nghị. Công tác phối hợp của các bộ, ngành chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Kết quả việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành chưa được xem là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với bộ trưởng, trưởng ngành, nên đến nay vẫn còn 133 kiến nghị chưa được giải quyết dứt điểm. Vì vậy đề nghị Báo cáo cần phân tích làm rõ trong những kiến nghị còn tồn đọng nói trên, kiến nghị nào thuộc về chính sách pháp luật, kiến nghị nào thuộc về quản lý, chỉ đạo, điều hành; nội dung nào đã giải quyết, đang giải quyết để Quốc hội được biết.n