Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt: Nguyên nhân do đâu?
Giao thông - Ngày đăng : 13:00, 30/05/2018
4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp, 2 người chết, 11 người bị thương
Vào hồi 0h30’, ngày 24/5, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 khi đến đường ngang có gác tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã va chạm với ô tô tải chở đá mang BKS 37C - 151.38 làm đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị đổ lật, trật bánh và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng. Hậu quả vụ tai nạn, làm 2 người tử vong gồm lái tàu và phụ lái tàu, 10 người bị thương.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hóa
Tiếp đó, ngày 26/5, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt tại tỉnh Quảng Nam và tỉnh Nghệ An. Cụ thể, vào hồi 16h18’, đoàn tàu hàng ASY2 đang thông qua đường số II Ga Núi Thành, Quảng Nam thì va chạm với tàu số hiệu 2469 bị dồn vượt quá mốc xung đột khiến 2 đầu máy và 5 toa xe hàng bị trật bánh, hàng hóa rơi đầy xuống đường.
Cùng ngày, vào khoảng 16h30 tàu hàng 27 toa chở đá hộc và thạch cao trong lúc vào đường số 3 của ga Yên Xuân, Nghệ An thì toa số 3 và 4 bị trật bánh.
Lúc 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy hướng Bắc Nam, khi tới xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An đâm vào xe bồn tại đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt làm tài xế bị thương nhẹ, đường sắt qua khu vực này bị tê liệt trong 90 phút.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 24-27/5) đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng làm 2 người tử vong và 11 người bị thương. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người, các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra khiến nhiều đầu máy, toa xe và hàng trăm mét đường sắt bị hư hỏng nặng gây thiệt hại hàng tỉ đồng, làm tê liệt tuyến đường sắt Bắc - Nam nhiều giờ.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nguyên nhân trực tiếp của 3 trong 4 vụ tai nạn trên do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga.
Ngoài ra, do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2 trong 4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt.
“Tư lệnh ngành” nhận trách nhiệm
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức phân tích để tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra vụ tai nạn nói trên.
Bộ GTVT đánh giá, 4 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trong các ngày 24, 26 và ngày 27/5/2018 trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM là các sự cố, tai nạn nghiêm trọng, làm chết 2 người, bị thương 11 người và làm thiệt hại lớn về phương tiện và tài sản.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhận trách nhiệm khi để xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt
Về nguyên nhân khách quan, Bộ GTVT cho biết, hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt còn nhiều bất cập, giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn nhiều, đặc biệt là đường ngang tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường sắt hiện nay có quá nhiều phương tiện có niên hạn sử dụng từ những năm 1960 – 1970 vẫn đang khai thác trên đường sắt; nguồn vốn đầu tư cho phương tiện đóng mới đầu máy, toa xe còn hạn hẹp. Ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa tổ chức triển khai cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn do không bố trí được nguồn kinh phí; nguồn vốn do nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đường ngang, xây dựng hàng rào đường gom, hàng rào hộ lan. Vốn đầu tư thiếu và giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến tiến độ thi công của một số công trình, dự án ATGT chậm, thậm chí dừng, giãn tiến độ dẫn đến việc bảo đảm trật tự ATGT đường gặp nhiều khó khăn.
Về nguyên nhân chủ quan, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng một số đơn vị, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn đường sắt; vẫn còn một số đơn vị đường sắt chưa chủ động tích cực trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt về đảm bảo ATGT tại các vị trí giao cắt.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về chạy tàu bảo đảm ATGT đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ lái tàu, trực ban chỉ huy chạy tàu, gác chắn đường ngang đôi khi còn hạn chế, chất lượng kiểm tra chưa đạt yêu cầu thực tiễn hiện trường.
Tại cuộc họp ngày 28/5 với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi trước nhân dân, Đảng, Nhà nước với trách nhiệm người đứng đầu của ngành.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ, cá nhân tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Xin gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân các vụ tai nạn đường sắt thời gian qua. Tôi chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành trong toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có ngành đường sắt đã để xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua" – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Thể nói tại cuộc họp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh: "Cần phải làm rõ nguyên nhân cụ thể là nguyên nhân nào, đặc biệt trong nội tại chủ quan, rồi trách nhiệm là phải làm rõ trách nhiệm tại khâu nào, ai chịu trách nhiệm?".
Do ý thức chủ quan của con người
Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia vận tải
Ý thức chủ quan của con người là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt không đáng có. Đó là khẳng định của chuyên gia Vận tải Bùi Danh Liên khi trao đổi với phóng viên Báo Công lý về các vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong những ngày gần đây.
Ông Liêm cho rằng, ngành đường sắt đang thừa hưởng kinh nghiệm quản lý đường sắt của thế giới và thực hiện các quy trình vận hành chạy tàu hết sức chặt chẽ. Bởi vậy, nếu con người chủ quan, không chấp hành đúng các quy trình, quy phạm mà luật đã quy định thì nguy cơ xảy tai nạn là rất cao. Điển hình như vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hòa làm 2 người tử vong, 10 người bị thương nhiều thông tin cho thấy do nhân viên bỏ gác chắn khi tàu đến là do sự lơ là, chủ quan dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo ông Bùi Danh Liên, hiện nay ngành đường sắt xuống cấp rất nghiêm trọng về cơ sở vật chất. Ga đường sắt giống như nơi “triển lãm đồ cổ”, quá lạc hậu so với thế giới
“Ý thức tuân thủ quy định pháp luật, tuân thủ các quy trình quy phạm là hết sức quan trọng trong việc phòng tránh, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Để xảy ra những vụ tai nạn đường sắt không đáng có, tôi cho rằng có trách nhiệm của nhiều người, trong đó, các nhân viên thực hiện công vụ như lái tàu, lái xe, gác chắn, trưởng ga đã lơ là trách nhiệm của mình, không kiểm tra, không thực hiện đúng các quy định đã được ban hành.”,- ông Liêm cho biết.
Cũng theo ông Liên, cần phải có sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ giữa các bộ phận trong ngành đường sắt để giảm thiểu các vụ tai nạn liên quan đến đường sắt.