Thủ tướng: Không thể nói coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ an ninh trật tự xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 14:18, 04/05/2017
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017. Ảnh: Quang Hiếu
Phát biểu tại phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội chung của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng khách du lịch vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, đặc biệt là lượng khách quốc tế tăng cao.
Cùng với đó là không khí sôi nổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, địa phương với sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư có uy tín, chiều sâu.
Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng không tăng, tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi; chỉ số mua hàng tiếp tục được cải thiện. Tín dụng tăng cao nhất trong những năm gần đây.
Đặc biệt, nhóm hàng chế biến nông nghiệp, nông sản tăng mạnh. Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu NSNN tăng khá (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Thành lập mới DN đạt kết quả tích cực (gần 40.000 DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân trong tiêu thụ thịt lợn ở một số địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải nhìn thẳng vào những vấn đề cần tập trung giải quyết, thảo luận để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể.
Khắc phục bất cập trong quản lý thị trường nông sản
Theo Thủ tướng, một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm. Tình hình SXKD còn nhiều khó khăn (4 tháng có trên 4.000 DN giải thể và trên 27.400 DN tạm ngừng hoạt động).
“Các giải pháp quyết liệt cả về phía cung (tăng trưởng ngành, lĩnh vực) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng) để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nêu rõ và đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến nhận định, đánh giá thực trạng tình hình và đề xuất các giải pháp, đối sách để đạt được tăng trưởng 6,7% nhưng vẫn bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.
Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự. “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.
Đối với ngành công nghiệp, ngành đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng, theo Thủ tướng, tăng trưởng còn thấp. Bốn tháng tăng 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh.
“Tôi đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo rõ, đề xuất cụ thể các giải pháp để phục hồi tăng trưởng khu vực công nghiệp theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, điện, nước, xây dựng”, Thủ tướng nhấn mạnh, “đồng thời, chúng ta sẽ nghe việc xử lý 12 dự án thua lỗ”.
Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh tăng chậm hoặc giảm trong khi nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất lại tăng mạnh.
Không để xảy ra điểm nóng an ninh trật tự
Về khu vực DN, Thủ tướng đề nghị tập trung bàn 2 vấn đề chính. Việc cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN những tháng qua còn chậm. Mặc dù số lượng nhiều và đang tăng mạnh nhưng khu vực DN tư nhân chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Chưa có chiến lược tổng thể phát triển năng lực của khu vực DN trong nước và đội ngũ doanh nhân.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn nhiều vụ vi phạm quy định về công tác cán bộ, các vụ việc nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lãng phí.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn.
An ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung được giữ vững nhưng còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp.
Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp, bên cạnh chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân thì không để điểm nóng xảy ra trên phạm vi quốc gia là vấn đề cần thảo luận.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành, các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để Chính phủ thảo luận, thống nhất đưa vào Nghị quyết phiên họp. “Không thể nói là coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ an ninh trật tự xã hội được”, Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ đang rất cần Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trọng yếu, kể cả khối sản xuất, khối văn hóa-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội… tập trung chỉ đạo quyết liệt để tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN cần đề xuất những giải pháp cụ thể để huy động được nguồn lực, giải quyết được tình trạng đình trệ trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư, khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích thích tiêu dùng, xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng.
Trong từng ngành, lĩnh vực nói riêng, từ khoa học công nghệ, giáo dục đến y tế, lao động-việc làm, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông, cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng của từng ngành để đóng góp chung vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.