Buýt đường sông góp phần giảm ùn tắc, thúc đẩy du lịch
Giao thông - Ngày đăng : 12:51, 21/11/2017
Ngày 21/11, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa tại TP.HCM (buýt đường sông) cho biết, sẽ khai trương tuyến buýt đường sông số 1 (Công viên Bạch Đằng - Linh Đông) vào ngày 25/11. Hiện đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong việc kiểm tra kỹ thuật, đánh giá mức độ an toàn cũng như nhu cầu của hành khách.
Tuyến có 12 điểm đón, trả khách; lộ trình tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Tổng chiều dài tuyến 10,8 km, thời gian hành trình của mỗi tuyến sẽ vào khoảng 30 phút; mỗi tàu cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng 3 phút.
Tuyến buýt đường sông số 1 sẽ hoạt động từ ngày 25/11.
Tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có 5 tàu buýt (mỗi tàu 70 chỗ) hoạt động. Trong đó, 4 tàu sẽ vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Một ngày có 12 chuyến hoạt động từ 6h30 sáng đến 19h30. Nhằm khuyến khích người dân chọn lựa loại hình vận tải công cộng mới này, trong 10 ngày đầu đưa vào khai thác, sẽ miễn phí vé để người dân được trải nghiệm. Sau đó giá vé mới áp dụng đồng giá 15.000 đồng/người/lượt. Bình quân cứ khoảng 30 phút có 1 chuyến xuất bến, riêng vào buổi trưa thời gian xuất bến các chuyến được giãn hơn.
Bên cạnh đó, phía chủ đầu tư đã đề xuất sử dụng xe điện 4 bánh vận chuyển khách du lịch và người dân trong phạm vi hạn chế từ các bến tàu của tuyến này đến các khách sạn, địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn TP như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng TP…
Việc này nhằm đa dạng hóa loại hình vận chuyển và cũng phù hợp để phát triển du lịch. Đề xuất nêu trên nói rõ loại xe điện sử dụng là phương tiện từ 8 tới 14 chỗ, với 10 xe hoạt động từ 5h tới 22h mỗi ngày. Điểm đậu xe cũng được tính toán sẽ bố trí tại các bến thủy Vườn Kiểng (quận 1), Bình An và Thảo Điền (quận 2).
Xe điện kết nối bến buýt sông với các điểm du lịch, bảo tàng.
Đánh giá về loại hình vận tải công cộng mới này, giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng so với loại hình vận tải đường bộ, loại hình vận tải đường thủy có chi phí thấp vì không tốn nhiều tiền cho giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư. Mặt khác tính an toàn cũng đảm bảo hơn, đầu tư dài hạn sẽ lợi hơn đường bộ.
Ông Cường thông tin, thát triển giao thông đường thủy đang được thành phố đặc biệt quan tâm và hướng đến. Loại hình này gắn kết giao thông đường đường bộ sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển đem lợi về mặt kinh tế. Không chỉ vậy, loại hình này cũng góp phần rất lớn trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông.