Lô tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đầu tiên về đến Hà Nội

Giao thông - Ngày đăng : 09:06, 19/02/2017

Để chuẩn bị đưa đầu máy đường sắt trên cao vào lắp ráp lên đường ray, lô tàu trong tổng số 13 đoàn tàu tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã về đến Hà Nội lúc 2h sáng 19/2, gồm có hai đầu máy và hai toa chở khách.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 19/2 hai đầu máy và hai toa chở khách được đưa về khu đô thị Văn Phú để chuẩn bị lắp ráp lên ray tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Lô tàu gồm 4 đầu máy, toa xe  do tàu Tian Wang Xing của Trung Quốc vận chuyển, cập cảng tại TP Hải Phòng chiều 12/2. Do có kích thước khá lớn nên đoàn tàu được vận chuyển vào buổi tối về Hà Nội để tránh tắc đường.

Lô tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đầu tiên về đến Hà Nội

Đoàn tàu đầu tiên gồm hai đầu máy, hai toa chở khách đã tới Hà Nội

Để vận chuyển các toa tàu này, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép vận chuyển cho đoàn xe siêu trường siêu trọng di chuyển theo lộ trình từ Cảng Hải Phòng theo Quốc lộ 5 cũ rẽ về Quốc lộ 10 qua Thái Bình, sau đó đi qua Phủ Lý (Hà Nam) ra Quốc lộ 1A cũ rồi về Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển 2 đầu máy và hai toa chở khách được niêm phong, phủ bạt kín.

Đây là đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 13 đoàn tàu sẽ được sử dụng, vận hành trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra còn 50 toa tàu chở khách khác sẽ được nhà thầu tiếp tục vận chuyển về Việt Nam.

 Lô tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đầu tiên về đến Hà Nội

Toàn bộ lô hàng được chằng chằng néo chắc chắn trong khi vận chuyển

Được biết, trọng lượng mỗi đầu máy nặng 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng ngang 2,8m; toa tàu chở khách nặng 32 tấn và các thông số khác đều giống đầu máy. Tàu sử dụng động cơ điện DC 750V với phương thức cấp điện từ ray thứ 3, đoàn tàu này có tốc độ tối đa vào khoảng 80 km/h. Một đoàn tàu với 4 toa có thể chở trên 1.300 người. 

Được biết, phía đơn vị sản xuất không sản xuất toàn bộ chiếc tàu đường sắt này. Có những bộ phận được nhập từ châu Âu như các thành phần của động cơ điện. Ống thép liền của động cơ nhập từ Nhật Bản, khung tàu được chế tạo bằng kết cấu thép không rỉ nhập khẩu từ Đức, vòng bi hộp trục nhập từ hãng SKF của Đức và khớp nối được nhập từ hãng ESCO của Bỉ.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, hết quý 1/2017, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp bao gồm các nhà ga và các công trình kiến trúc trong khu Depot.

Tháng 3 sẽ bắt đầu lắp đặt tuần tự các hạng mục chuyên ngành thiết bị và sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị vào cuối tháng 7. Đến 1/10, tàu đường sắt trên cao sẽ chạy thử.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Mai Đỉnh