Việt Nam-Thuỵ Sỹ: Tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp
Chính trị - Ngày đăng : 14:32, 29/03/2017
Chuyến thăm của Đoàn nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Thụy Sỹ và Việt Nam.
Thúc đẩy quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả
Tại cuộc hội đàm giữa 2 Chủ tịch được diễn ra ngay sau Lễ đón chính thức Đoàn được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội, sáng nay (29/3), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong thời gian qua phát triển tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển. Đánh giá cao hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục hợp tác tại các diễn đàn, nghị viện đa phương nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy về chính trị, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón Ngài Ivo Bischofberger
Đánh giá cao trong năm 2016 hai nước đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó có sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Thụy Sỹ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch, nhà hàng-khách sạn; đồng thời khẳng định, Việt Nam coi trọng và quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Thụy Sỹ.
Cảm ơn Nghị viện và Chính phủ Thụy Sỹ đã cam kết viện trợ 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ xây dựng các dự án để sử dụng nguồn ODA này một cách hiệu quả và kịp thời.
Bày tỏ vui mừng sang thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Liên bang Thụy Sỹ Ivo Bischofberger cho biết: Chuyến thăm của Đoàn nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các cơ quan lập pháp hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Thụy Sỹ và Việt Nam. Khẳng định Thụy Sỹ rất quan tâm tới hợp tác song phương với Việt Nam, Chủ tịch Ivo Bischofberger cho biết, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Thụy Sỹ đã sát cánh cùng Việt Nam. Là 1 trong 4 nước trong Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), Thụy Sỹ luôn ủng hộ các bên tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam (EFTA), hướng đến một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao, có tính đến lợi ích của nhau, để sau khi ký kết, hiệp định này sẽ tạo hành lang pháp lý, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp các bên tham gia. Nhấn mạnh các doanh nghiệp Thụy Sỹ rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, Chủ tịch Ivo Bischofberger mong muốn Việt Nam tạo môi trường đầu tư kinh doanh, khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Sỹ kinh doanh tại Việt Nam.
Tại hội đàm, hai bên cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việt Nam mong muốn Thụy Sỹ trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hai bên nhất trí trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đặc biệt là đào tạo nghề có kết nối với các doanh nghiệp Thụy Sỹ đang đầu tư tại Việt Nam; hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu; tăng số học bổng và tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu, học tập trong các ngành đào tạo nổi tiếng của Thụy Sỹ như: luật, ngân hàng, kỹ thuật cao, du lịch…Thụy Sỹ khẳng định sẽ tổ chức những khóa đào tạo nghề cho Việt Nam.
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ, cho rằng cộng đồng là cầu nối trong quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn và mong muốn Nghị viện và Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định, hòa nhập vào xã hội sở tại.
Về hợp tác nghị viện giữa hai nước, hai Chủ tịch khẳng định hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sỹ; đồng thời vui mừng nhận thấy quan hệ song phương giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp; hoạt động trao đổi đoàn được duy trì, hợp tác trên các diễn đàn đa phương được tăng cường. Trong không khí cởi mở, hai bên nhất trí thời gian tới tăng cường hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao, các Ủy ban, nhóm nghị sĩ hữu nghị để trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghị viện, làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Việt Nam-Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 46 năm (11/10/1971). Thụy Sĩ, vốn là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Trong những năm qua mối quan hệ song phương Thụy Sĩ-Việt Nam phát triển mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Trên con đường tái thiết, phát triển và hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của Thụy Sĩ, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng cường năng lực thể chế phục vụ công cuộc cải cách hành chính, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cải thiện dịch vụ y tế,... cũng như góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Thụy Sĩ đặt mục tiêu sớm đạt được Hiệp định thương mại tự do đang trong quá trình đàm phán giữa Hiệp hội thương mại tự do châu Âu-EFTA (trong đó có Thụy Sĩ) và Việt Nam. Đây sẽ là một tín hiệu quan trọng và tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đến tháng 9/2016, Thụy Sĩ đứng thứ 18 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với 117 dự án trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, năng lượng, nước... với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Năm 2015, trao đổi thương mại song phương đạt 667 triệu USD, tăng 6,7% so với năm 2014.
Trong lĩnh vực hoạt động ngoại giao nghị viện giữa hai nước, trong chuyến thăm làm việc tại Thụy Sĩ hồi tháng 10/2016 của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng, hai quốc hội Việt Nam và Thụy Sĩ nhất trí tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn giữa Quốc hội và Thượng viện hai nước cũng như khẳng định tăng cường phối hợp giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Thụy Sĩ trên các diễn đàn quốc tế.
Ông Ivo Bischofberger sinh năm 1958, là tiến sỹ chuyên ngành Lịch sử. Ông từng là thành viên và Chánh án Tòa án quận Oberegg. Năm 2007, ông là Ủy viên Hội đồng Nhà nước đại diện Bang Appenzell Innerrhoden và kiêm nhiệm các chức vụ: Thành viên của các ủy ban: Ủy ban Khoa học, Giáo dục và Văn hóa (SECC); Ủy ban Môi trường, Phát triển không gian và Năng lượng (ESPEC); Ủy ban An ninh xã hội và Y tế (SSHC); Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Soạn thảo. Từ năm 2012 đến nay, ông là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Thụy Sỹ, thành viên Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Thụy Sỹ. |