Tổng thống Nhà nước Israel và phu nhân bắt đầu thăm Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 12:57, 20/03/2017
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin
Cùng đi với Tổng thống Reuven R.Rivlin có bà Nechama Rivlin, Phu nhân Tổng thống; Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar; Tổng Vụ trưởng Văn phòng Tổng thống, ông Harel Tubi; Cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại, ông David Saranga; Cố vấn quân sự của Tổng thống, ông Boaz Hershkovitz; Chánh văn phòng Tổng thống, bà Rivka Ravitz; Cố vấn cấp cao của Tổng thống, bà Mira Ratzabi.
Là quốc gia nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, có thể chế Cộng hòa nghị viện, Israel hiện có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước trên thế giới. Ngoài ra, Israel là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới...
Tuy là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, phần lớn đất đai khô cằn, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong tất cả các ngành (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng...), Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế. Được xếp vào hàng các nước phát triển, Israel là một trong số 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Đặc biệt, Israel đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Israel có ngành công nghiệp rất phát triển với tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; đứng thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, chỉ sau thung lũng Silicon tại Mỹ.
Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1993. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv vào tháng 5/2009. Israel mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào tháng 12-1993.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó đoàn cấp Bộ trưởng trở lên thời gian gần đây gồm: Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (tháng 10/2014), Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (tháng 11/2014), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (tháng 6/2015), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tháng 11/2015), Bộ trưởng Công an Tô Lâm (tháng 11/2016)... thăm Israel. Tổng thống Shimon Peres thăm Việt Nam vào tháng 11/2011. Tháng 2/2014, Bộ trưởng Công an Israel thăm Việt Nam...
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Israel ngày càng được củng cố và phát triển nhanh chóng. Hợp tác trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo... đang được tăng cường và đạt hiệu quả thực chất.
Hai bên đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Trong đó bao gồm Hiệp định khung hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp và thương mại (năm 1996); Nghị định thư hợp tác tài chính giữa Israel và Việt Nam (năm 2007); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao (năm 2009); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống trốn thuế đối với thuế thu nhập và tài sản; Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Khoa học và Công nghệ về hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (năm 2009); Nghị định thư thành lập Ủy ban liên chính phủ (năm 2013); Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2015)... Ủy ban liên chính phủ Việt Nam và Israel đã tổ chức kỳ họp lần thứ nhất tại Tel Aviv tháng 10/2014.
Israel đã chính thức công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ ngày 29-5-2016. Hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA). Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 1,237 tỷ USD so với 1,695 tỷ USD năm 2015. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Israel chủ yếu là điện thoại, linh kiện các loại, giày dép, cà phê, hạt điều, hàng dệt may, thủy sản và nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ cao, phân bón... Tính đến tháng 1/2017, Israel có 25 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 46,37 triệu USD, xếp thứ 56/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Israel đã hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển, nông nghiệp và giáo dục, đào tạo. Dự án Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Israel (vốn ODA không hoàn lại của Israel hơn 1 triệu USD, TP Hồ Chí Minh góp hơn 50 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8/2013. Israel đã hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều dự án nhằm chuyển giao công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu tiên tiến... tại nhiều địa phương. Từ năm 2008 đến nay, Israel đã tiếp nhận hơn 2.130 tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm tại các nông trại Israel trong thời hạn 1 năm. Bên cạnh đó, Israel đã tiếp nhận khoảng 1.400 lao động nông nghiệp Việt Nam làm việc trong thời hạn 5 năm từ 2010.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nhà nước Israel Reuven R.Rivlin nhằm củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Reuven R.Rivlin sẽ thành công tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Israel đạt những bước phát triển mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tổng thống Reuven R.Rivlin sinh ngày 9/9/1939. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành luật, Đại học Hebrew. Từ năm 1988 đến 1992, ông là Nghị sĩ Quốc hội. Từ năm 1988 đến 1993, ông là Chủ tịch đảng Li-cút. Từ năm 2001 đến tháng 2/2013, ông giữ cương vị Bộ trưởng Thông tin. Từ tháng 2-2003 đến tháng 4/2006, ông là Chủ tịch Quốc hội khóa 16. Từ tháng 2/2009 đến tháng 2/2013, ông là Chủ tịch Quốc hội khóa 18. Từ tháng 6/2014 đến nay, ông là Tổng thống Nhà nước Israel. |