Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Giao thông - Ngày đăng : 09:41, 21/12/2016

Báo Công lý ngày 7/8/2016 có bài “Hải Phòng: Nhiều tuyến phố mất hẳn vỉa hè” phản ánh tình trạng các hộ dân, tổ chức lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, kê đồ đạc, phương tiện diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị…

Trở lại vấn đề này, mới đây, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hải Phòng khóa XV (nhiệm kỳ 2016 - 2021), Phó Chủ tịch HĐND Dương Ngọc Tuấn có Tờ trình đại biểu HĐND thành phố tổng hợp ý kiến, kiến nghị chung của cử tri đang mong muốn thành phố sớm giải quyết các vấn đề nổi cộm, trong đó có lĩnh vực đô thị. Theo đó, nhiều cử tri cho rằng, công tác quản lý trật tự đô thị hiện chưa được quan tâm đúng mức, tổ quản lý đô thị ở các phường hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn tình trạng đậu đỗ xe không đúng quy định gây cản trở, ách tắc giao thông, nhiều tuyến đường nội đô bị lấn chiếm lòng đường, vỉa hè hình thành các điểm buôn bán, ăn uống gây mất vệ sinh, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ảnh hưởng việc đi lại và sinh hoạt của người dân…

Sau khi đăng bài phản ảnh tình trạng trên, phóng viên Báo Công lý tiếp tục có cuộc khảo sát tại các tuyến đường trung tâm của Hải Phòng thì nhận thấy tình trạng này vẫn diễn ra rất ngang nhiên, tấp nập mà không bị xử lý?

Theo quan sát của phóng viên, tại đường Lạch Tray (tuyến đường có thể nói là rộng và khang trang nhất Hải Phòng từ trước đến nay, nơi có khá nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước) không còn đẹp như người dân từng nghĩ bởi vỉa hè con đường này đã trở nên rất lộn xộn.

Đoạn từ đầu ngõ 55 đến đầu ngõ 201 Lạch Tray và đầu ngõ 72 Lạch Tray đến ngã tư quán Mau (nút giao giữa Lạch Tray - Đình Đông - An Đà) người dân và các hộ kinh doanh để tràn xe máy xuống lòng đường, gây cản trở người tham gia giao thông đây là một trong những nguyên nhân khiến đoạn đường này thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm; từ số 272 đến 276 Lạch Tray (khu vự đầu ngõ Đông Tâm) nhìn xa như một khu chợ do các điểm kinh doanh ở đây tự do bày bán hàng hóa, kê bàn ghế, ô bạt, xe máy phủ kín vỉa hè, mặc dù vỉa hè khu vực này khá rộng; từ số 225 (cổng Công ty Vận tải Biển) đến đầu ngõ 263 Lạch Tray vỉa hè bày bán la liệt sản phẩm xe máy, phương tiện ô tô…

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Hàng hóa bày bán tràn lan, đồ đạc, phương tiện ô tô, xe máy đỗ kín vỉa hè đường Lạch Tray

Tại tuyến đường Minh Khai, một trong những tuyến đường trung tâm Hải Phòng, một con đường kiểu mẫu nhưng các hộ kinh doanh, các quán cà phê thoải mái kê bàn ghế, căng ô, bạt, để xe tràn lan khiến tuyến phố này mất hẳn vỉa hè.

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Bàn ghế, ô dù, phương tiện phủ kín vỉa hè đường Minh Khai

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Vỉa hè đường Quang Trung

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Vỉa hè đường Phạm Hồng Thái

Theo Quyết định số 1611/2009/QĐ-UBND ngày 19/08/2009 của UBND TP Hải Phòng ban hành Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng thì “phạm vi sử dụng vỉa hè” được quy định như sau: Đối với vỉa hè có mặt cắt ngang rộng trên 3,5m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông với mặt cắt ngang lớn nhất là 2,0 m tính từ mép bó vỉa trở vào phía xây dựng nhà, công trình khác (không phải phía lòng đường). Riêng, đối với vỉa hè có mặt cắt ngang nhỏ hơn 3,5m việc cho phép sử dụng ngoài mục đích giao thông chỉ được xem xét đối với các hoạt động phục vụ việc cưới, việc tang, lễ hội; thi công, sửa chữa công trình.

 Việc sử dụng vỉa hè đối với phục vụ hoạt động thi công xây dựng, sửa chữa công trình, trông giữ xe (trừ việc cưới, việc tang, lễ hội) phải được Sở GTVT xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè phục vụ những hoạt động này. Riêng hoạt động kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, căn cứ theo quy hoạch khu vực, tuyến đường do UBND thành phố quyết định, sau khi được Sở GTVT xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè từng vị trí cụ thể trên các đường phố thì UBND quận, huyện có trách nhiệm quản lý việc cấp phép trên vỉa hè và thu phí theo quy định.

Khu vực vỉa hè được Sở GTVT cấp phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông phải đảm bảo không cản trở lối ra vào đường ngõ; không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở; đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường, không chăng dây, cắm cọc, dựng bạt, để ô dù phải tạo lối đi thông thoáng cho người đi bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Công Hòa là hai con đường mới tuy nhiên vỉa hè thì  lại rất luộm thuộm

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, đường phố ngày càng chật chội bởi sự gia tăng đột biến các phương tiện giao thông và tình trạng buôn bán, kinh doanh lấn chiểm vỉa hè diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ngày 12/3/2012, UBND thành phố ra Quyết định số 319/QĐ-UBND ban hành các tiêu chí mới về tuyến đường kiểu mẫu, đồng thời quy định về công tác quản lý trật tự đường hè trên địa bàn thành phố.

Theo Quyết định 319, các tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn thành phố cần phải quản lý chặt chẽ và tuân thủ các quy định về vỉa hè như: Vỉa hè được lát gạch, sơn kẻ vạch giới hạn để xe đạp, xe máy, khu vực dành cho người đi bộ; không tồn tại kinh doanh, buôn bán hàng hóa, không được lắp đặt mái che mưa, che nắng, không treo hàng hóa lấn ra khoảng không; không để phương tiện cố định, tài sản, dựng ô dù, lều bạt, kê bàn ghế, biển quảng cáo, dây phơi và các dụng cụ khác.

Việc sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và sử dụng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Thành phố giao các Sở GTVT, Xây dựng, Công an thành phố, UBND các quận, phường tích cực triển khai thực hiện và duy trì nghiêm ngặt, hiệu quả các tiêu chí về đường mẫu.

Hải Phòng: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè liệu có được xử lý?

Tuyến đường Lê Lai, nơi có trụ sở phường Lạc Viên và rất gần Phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền

Như vậy, việc sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, trông giữ xe, thi công xây dựng, sửa chữa công trình đều phải được Sở GTVT nghiên cứu, xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời, đảm bảo phù hợp quy hoạch và đúng quy định của thành phố. Mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán, để đồ đạc lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường kiểu mẫu đều vi phạm quy định. UBND cấp phường, quận không có thẩm cấp phép sử dụng tạm thời (hay cho thuê) vỉa hè ngoài mục đích giao thông nhưng có trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự đường hè trên địa bàn.

Đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm, sớm dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự hè phố, giữ gìn mỹ quan đô thị, thu hút du khách đến với thành phố, tạo động lực thúc đẩy thành phố sớm trở thành thành phố Cảng xanh - văn minh - hiện đại, thành trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.

Nhóm PV