Thủ tướng đưa ra 8 định hướng gỡ nút thắt cho giao thông vận tải
Chính trị - Ngày đăng : 09:03, 17/03/2017
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, điểm mấu chốt là về vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là gần 953 nghìn tỷ đồng.
Theo thông báo dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn này, Bộ được phân bổ chỉ mới trên 209 nghìn tỷ đồng và số vốn thực tế được thông báo phân bổ là trên 188 nghìn tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu vốn từ ngân sách Nhà nước.
Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không cho biết, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không từ nay đến năm 2020 rất lớn, bình quân khoảng 5.500 tỉ đồng/năm. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất cần nhu cầu vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng để đáp ứng lượng hành khách và có thể tăng lên 100 triệu lượt vào năm 2020.
Đánh giá cao Bộ GTVT đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần chống tiêu cực, tham nhũng, tiết kiệm trong phát triển GTVT.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số bất cập đối với ngành, trước hết là thể chế tồn tại nhiều vướng mắc, gây trở ngại cho phát triển GTVT; chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016. Trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT. Một bất cập nữa của ngành là thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, còn nhiều tồn tại trong thực tiễn mà chưa giải quyết được như quy trình công-tư (PPP), phát triển đồng bộ GTVT. “Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng”, Thủ tướng bày tỏ.
Trước thực tế này Thủ tướng đã đưa ra một số vấn đề cũng là các yêu cầu, định hướng cho Bộ GTVT phát triển thời gian tới.
Thứ nhất, tinh thần là tìm mọi biện pháp phát triển của ngành GTVT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không vì khó khăn về kinh phí mà đây tiếp tục là nút thắt.
Thứ hai, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Vì vậy, xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể làm vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng GTVT thành công. “Hồi trước mua máy bay, Thủ tướng phải bảo lãnh. Bây giờ tư nhân mua máy bay có ai bảo lãnh mà đội bay thêm được bao nhiêu”, Thủ tướng nêu ví dụ về xã hội hóa, dựa vào nguồn lực từ người dân để phát triển. Muốn như thế phải tạo ra một không gian ủng hộ để xã hội hóa, người dân tham gia phát triển GTVT. Đó là lối ra khi hiện nay, khi mà nguồn vốn Nhà nước bố trí được để phát triển GTVT chỉ mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.
Thứ ba, phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để PPP hay các cách thu hút nguồn vốn khác đi vào Việt Nam, vào ngành GTVT, vào các địa phương. Vì thế, Bộ GTVT phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chiến lược GTVT đã ban hành năm 2013, Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tận dụng mọi điều mọi điều kiện để phát triển ở nước ta, quan tâm thúc đẩy vận tải đa phương thức.
Chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, không để tai nạn xảy ra trong quá trình phát triển. Đi liền với đó là nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng gặp phải thời gian qua như “đi đường thì gập ghềnh, lún sụt, một trận mưa mà công trình đã xuống cấp”, để làm sao với định mức, đơn giá đó thì chất lượng giao thông phải tốt hơn.
Thứ năm, là sử dụng vốn Nhà nước. Thủ tướng cho rằng, với nguồn vốn ít ỏi thì nhà nước làm vốn mồi là chính và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng. Các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. “Nguyên tắc đầu tư là người hưởng lợi đông. Anh không thể đầu tư cái mà người ta không hưởng lợi”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn.
Thứ sáu, phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng GTVT, trưởng các đơn vị trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông. “Ai chịu trách nhiệm xe quá tải vẫn đi trên đường? Phải có người chịu trách nhiệm chứ”, Thủ tướng nói.
Thứ bảy, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong GTVT, trong điều hành bay, trạm thu phí không dừng, vật liệu mới, phương pháp thi công cầu lớn…
Thứ tám, đẩy mạnh quan hệ quốc tế trong GTVT. Thứ chín, Bộ GTVT chủ trì, chủ động xây dựng cơ chế đặc thù, trình Thủ tướng một số cơ chế đường cao tốc, PPP, thể chế điều hành một số công việc có liên quan mà Bộ chủ trì.
Tìm nguồn lực để thu hút ODA vào đầu tư phát triển là hướng đi cần thiết.
Xử lý gấp một số vấn đề nóng như Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia phải trực tiếp bàn với Bộ Tài chính xung quanh vấn đề phạt vi phạm giao thông hay có biện pháp mạnh mẽ hơn trong chống cát tặc. Đây là vấn đề nóng mà báo chí phản ánh nhiều thời gian qua. Hay xử lý vấn đề đường ngang dân sinh qua đường sắt.
Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT tập trung làm 1 km đường mẫu, từ đó có thể tính được cụ thể chi phí đầu tư, để xem “định mức làm sao, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng, nếu làm đường nhựa thì như thế nào…”.
Yêu cầu các bộ, ngành liên quan chung tay, chung sức tháo gỡ nút thắt về giao thông, Thủ tướng cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của Bộ GTVT.
Thủ tướng cũng “điểm tên” các thể chế cần chỉnh sửa để tháo gỡ vướng mắc cho phát triển GTVT. Thủ tướng giao các bộ, ngành hoàn thành việc sửa một số Nghị định trong tháng 4/2017, trong đó có Nghị định 108, Nghị định 136, Nghị định 59, nhất là Nghị định 15 và 30, với quy định về PPP.