Hệ thống xe buýt nhanh BRT có gì mới?
Giao thông - Ngày đăng : 14:13, 14/12/2016
Trong tất cả các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và xe buýt nhanh BRT, thì xe buýt nhanh BRT chiếm ưu thế hơn cả bởi chi phí đầu tư xây dựng thấp, thời gian đầu tư xây dựng lại nhanh và phù hợp với điều kiện kinh tế, giao thông của Hà Nội.
Mô hình hệ thống xe buýt nhanh BRT
Ngoài ra, các điểm mạnh khác của BRT bao gồm: hệ thống khép kín, bán vé ngay tại bến xe..., có lối lên xuống cho người tàn tật, có làn đường riêng nên sẽ đảm bảo thời gian đi/đến đúng giờ, tăng hiệu suất vận chuyển và giảm thời gian đi lại cho hành khách.
Hệ thống BRT kết hợp độ tin cậy và tiện nghi của hệ thống vận tải đường sắt với sự linh hoạt của xe buýt với 4 thành phần ưu tiên: phương tiện vận tải hiện đại; đường dành riêng cho xe buýt; sử dụng hệ thống smart card thuận tiện, sàn xe bằng phẳng với cốt nền nhà chờ thuận lợi cho người tàn tật.
Với các ưu điểm về kinh tế, tính bền vững và linh hoạt, hệ thống BRT đặc biệt phù hợp và được đánh giá là một giải pháp giao thông tối ưu khi quy hoạch hệ thống giao thông đô thị tại các nước đang phát triển có mật độ dân số cao.
Lần đầu tiên được áp dụng tại thành phố Curitiba, Brazil vào năm 1974 và đến nay, hệ thống BRT đã được xây dựng và vận hành thành công ở hơn 130 thành phố của hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, như: Jakarta (Indonesia), Quảng Châu, Bắc Kinh, Côn Minh, ... (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Colombia, Brazil, Mỹ, Mexico, Hà Lan, Paris (Pháp), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ...