Công khai - không khai
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Công chức là đối tượng cần công khai tài chính (ảnh minh hoạ)
Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31-12 hàng năm đến hết tháng 3 năm sau. Thời gian công khai tối thiểu trong 30 ngày. Việc kê khai bổ sung tài sản định kỳ hàng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú…
Trong Nghị quyết của Đảng và hệ thống pháp luật đều đề cao giải pháp công khai, minh bạch về tài sản cá nhân của lãnh đạo. Trước hết là công khai, minh bạch trong tổ chức mình hoạt động, đơn vị mình công tác . Tuy nhiên, giữa yêu cầu và thực tiễn triển khai vẫn còn khoảng cách rất lớn, thậm chí gây cản trở cho việc minh bạch tài sản công chức, lãnh đạo. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định bản kê khai tài sản được quản lý cùng hồ sơ cán bộ. Mà theo các quy định hiện hành về bí mật nhà nước thì hồ sơ cán bộ thuộc loại tài liệu bí mật. Vậy thì ai, công dân, nhà báo hay cán bộ thanh tra, điều tra được tiếp cận hồ sơ này để biết được tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo Nghị định 68?
Mới đây, một quan chức Thanh tra Chính phủ khi trao đổi với báo chí đã cho hay đã có đề xuất công bố công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất cao - nhưng không cho biết ai, cơ quan nào chưa thống nhất cao - nên đành gác lại. Lần này chỉ quy định công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có chức vụ, quyền hạn công tác. Công khai trong cơ quan có nghĩa là nguồn tài sản ấy không còn bí mật và người ta dễ dàng phát hiện số tài sản mới phát sinh như xe máy sang, ôtô xịn, nhà mới. Và phát hiện này nếu được “tố cáo” đúng địa chỉ sẽ được cơ quan chức năng xem xét!
Tuy nhiên, do không có cơ chế giám sát, kiểm tra nếu người ta ậm ừ rằng sẽ công khai nhưng không khai thì đành… chịu. Chẳng hạn người ta bẻ ghi tài sản: nhà của con trai, ôtô của con dâu, đồ cổ được tặng, tiền mặt trúng xổ số… (không khó khăn gì nếu chịu thuế thu nhập 10% để mua vé số trúng thưởng).
Quy định cụ thể về công khai tài sản của quan chức theo Nghị định 68 có thể xem là một bước tiến mới trong quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ. Hy vọng sẽ đến lúc, bản kê khai tài sản của quan chức được công khai trên báo chí đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ để công dân giám sát. Và lúc đó ẩn số tham nhũng sẽ lộ diện!
Bảo Văn