Xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông: Đầu voi đuôi chuột?
Giao thông - Ngày đăng : 07:18, 16/11/2016
Tình trạng vi phạm vẫn tái diễn
Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014. Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2016, trong đó có những lỗi vi phạm sẽ bị phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe. Cụ thể, trong nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định tại Điều 9 về việc xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ với nội dung chi tiết:
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
Xử phạt đối với những người không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Những người không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với những người mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông. Những người vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Những người đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Có thể thấy rõ, sau khi lực lượng chức năng của thành phố ra quân, áp dụng việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật trên địa bàn thì ý thức người đi bộ tham gia giao thông của người dân cũng đã được nâng lên. Song đến nay, các trường hợp vi phạm lại có xu hướng tăng lên.
Tính đến thời điểm hiện tại, dường như quy định này đang bị “chìm” dần bởi tình trạng người dân vi phạm luật vẫn thản nhiên đi bộ dưới lòng đường. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trên các tuyến phố nhưng không thấy đội ngũ cơ quan chức năng xử lý.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp người đi bộ vi phạm giao thông ở bất kỳ tuyến đường, tuyến phố nào trên cả nước, kể cả trên đường cao tốc. Phần lớn người dân chưa nắm rõ về quy định pháp luật dành cho người đi bộ.
Tại nhiều tuyến đường như đường Trường Chinh, Nguyễn Trãi nhiều người vẫn thản nhiên bỏ qua các cầu vượt và hầm đường bộ để di chuyển ngay dưới lòng đường gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Để sang đường nhanh hơn, người đi bộ thường xuyên có hành vi vi phạm TTATGT như: Đi sang đường khi chưa có tín hiệu đèn giao thông dành cho người đi bộ, đi không đúng vạch kẻ đường, đi dưới lòng đường... nhất là tại các tuyến đường xung quanh trường học, bệnh viện, bến xe... tình trạng này diễn ra phổ biến, từ người già, trung niên, đến học sinh, sinh viên.
Trên những tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm, việc người đi bộ dưới lòng đường là “không đếm hết”. Mặc dù vậy, việc xử phạt người bộ hành vi phạm luật giao thông vẫn là một nhiệm vụ nan giải bởi phần lớn diện tích vỉa hè trên tuyến, đặc biệt vào buổi tối, từ lâu dường như đã là "của riêng" của các hộ kinh doanh mặt phố.
Thay vì đi trên cầu vượt nhiều sinh viên của trường Đại học KHXH&NV tìm cách “băng đường” len lỏi giữa dòng xe cộ để qua đường.
Xử phạt như “muối bỏ bể”
Theo Đại tá Trần Sơn (nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người đi bộ vi phạm quy định an toàn giao thông, tuy nhiên, tình trạng xử lý trong thời điểm hiện tại chỉ như “muối bỏ bể”.
Được biết, chỉ trong vòng 1 tháng từ khi ra quân xử phạt, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt Hà Nội đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, con số còn quá nhỏ bởi những người vi phạm bị xử phạt quá ít so với tình trạng người dân vi phạm.
“Tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy? Vì quá trình thực hiện, đội ngũ chức trách còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi nhiều trường hợp khiến lực lượng chức năng khó xử lý”, ông Sơn nhận định.
Làm rõ những điều này, ông giải thích, tại những nút giao thông lớn như điểm qua đường tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, hiện tượng vi phạm diễn ra tức thời. Vì vậy, nếu không có camera theo dõi thì người vi phạm có thể chối cãi ngay sau khi họ vừa phạm luật.
Hơn thế nữa, công tác tuyên truyền chưa được tốt nên chưa phổ biến cho toàn dân biết được quy định này khiến nhiều người không hề biết có quy định ban hành.
Trên nhiều tuyến phố, nhiều hộ gia đình tự cho mình quyền biến vỉa hè thành nơi “trưng dụng” của gia đình mình, khiến người đi bộ không còn sự lựa chọn nào khác là phải đi xuống lòng đường.
Ông Trần Sơn nêu quan điểm: “Với giải pháp tình thế trước mắt, trên những tuyến đường vỉa hè bị lấn chiếm, cần xử lý nghiêm và dứt khoát đối với những hộ vi phạm. Ở các con phố có lòng đường hẹp, không có đường dành riêng cho người đi bộ thì cần tạo ra những vạch sơn dành cho người đi bộ”.
“Trên các điểm nút giao thông lớn như khu vực Ngã Tư Sở, hay cổng Bệnh viện Bạch Mai phải được gắn camera theo dõi để khi xử phạt, người vi phạm không thể chối cãi hành động sai phạm của mình. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp cần thực hiện ngay và bền bỉ đó là không ngừng tuyên truyền Nghị định đến với người dân để cải thiện nhận thức cũng như hạn chế tình trạng vi phạm”, ông Sơn nói thêm.
Theo lời của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải), người từng có hơn 30 năm kinh nghiệm trong vấn đề giao thông đô thị cho rằng, việc xử phạt người đi bộ hiện nay là rất cần thiết vì ý thức tham gia giao thông của người đi bộ hiện nay rất kém và thiếu ý thức.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền được đánh giá cũng chưa đạt kết quả cao. Cứ khi nào tổ chức ra quân tuần tra, nhắc nhở thì ý thức chấp hành của người dân là tốt tuy nhiên đến khi hết đợt ra quân thì đâu lại vào đó và không duy trì được lâu.
Theo Tiến sỹ Thủy, trước thực tế này bên cạnh việc nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông thì chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát tình hình vi phạm và tạo điều kiện để người đi bộ chấp hành luật. Bên cạnh việc xử phạt hành chính bằng tiền thì cần tính đến các hình thức xử phạt bổ sung yêu cầu người vi phạm lao động công ích, tăng tính răn đe.