Cần sớm công khai các tiêu chuẩn cấp phù hiệu bổ sung xe taxi
Giao thông - Ngày đăng : 10:31, 17/10/2016
Để hiểu thêm về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh (Văn phòng Luật sư Hoàng Huy – Đoàn Luật sư Thành Phố Hà Nội).
PV: Thưa Luật sư, bà có nhận xét gì về hiện tượng đang có khoảng 3.000 xe taxi ngoại tỉnh ngược về Hà Nội gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan chức năng?
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh: Theo tôi được biết, ngày 03/10/2012, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 4390/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án quản lý vận tải khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030". Trong quyết định này, cơ quan chức năng định hướng đến năm 2015 tổng số phương tiện taxi toàn thành phố là 20.000 xe và đến năm 2020 là 25.000 xe.
Thực tế, số lượng xe taxi ở Hà Nội hiện nay cũng đạt được con số 20.000 xe, bởi thống kê cho thấy khoảng 3000 xe taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên ở Hà Nội.
Như vậy để thấy, với nền kinh tế thị trường thì ở đâu có nhu cầu, ở đó sẽ có dịch vụ cung cấp. Nếu cung nhiều mà cầu ít, tự nhiên sẽ dẫn đến tình trạng kém hiệu quả kinh tế. Do nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội ngày càng tăng cao, trong khi cơ quan chức năng chủ trương không cho phát triển đầu xe trong nhiều năm nay, lượng xe của các doanh nghiệp để phục vụ khách hàng thiếu hụt, các doanh nghiệp buộc phải điều động xe để đảm bảo chất lượng phục vụ. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, cũng như nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý của các cơ quan chức năng cũng nên nhìn nhận một cách toàn diện và tôn trọng nền kinh tế thị trường, để tìm giải pháp quản lý phù hợp, hài hòa lợi ích ba bên.
Một số hãng taxi hoạt động tại Hà Nội
PV: Thưa Luật sư, theo bà, việc một số hãng taxi đưa xe ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động như vậy có vi phạm pháp luật không?
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh: Như tôi đã đề cập ở trên, việc các doanh nghiệp vận tải điều xe từ chi nhánh về nội đô hoạt động là hợp pháp. Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của công dân.
Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Trong quyền này có các quyền nổi bật như: Quyền tự do lựa chọn ngành nghề, tự do lựa chọn mô hình kinh doanh, tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế, tự do lựa chọn hình thức, cách thức huy động vốn và tự do cạnh tranh lành mạnh.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là một hình thức thu tiền trực tiếp, có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ, căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách (Điều 3, Điều 6 Nghị định 86/2014/NĐ-CP).Đối với các quy định về niêm yết trên xe theo Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014, Bộ giao Thông vận tải (BGTVT) quy định về tổ chức ,quản lý vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng đương bộ .Có những quy định rất cụ thể như về phù hiệu, hộp đèn, tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã...
Phù hiệu xe taxi có giá trị toàn quốc. Xe ô tô là tài sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt khối tài sản đó, có quyền điều động từ địa phương này đến địa phương khác theo nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu chúng ta áp đặt nó thì vô hình chung đã vi phạm vào quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp mà pháp luật ngày càng tôn trọng.
PV: Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng lại phương án kinh doanh vận tải, yêu cầu bổ sung thêm đăng ký vùng hoạt động (ghi rõ từng quận, huyện trên địa bàn), vậy Luật sư có thể cho biết điều này có phù hợp quy định của pháp luật không?
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh: Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 63/2014/TT – BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có và thực hiện đúng phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này. Mẫu phương án kinh doanh tại phụ lục 3 của Thông tư 63 không có nội dung đăng ký vùng hoạt động.
Để hoạt động kinh doanh vận tải được, các doanh nghiệp phải có hàng loạt giấy phép con như giấy phép của cục tần số vô tuyến điện.Trong giấy phép thể hiện rõ vùng phủ sóng, phải đăng ký với sở về điểm đặt cột sóng (gọi là trung tâm). Hơn nữa đặc thù của hoạt động kinh doanh taxi là theo yêu cầu của khách hàng. Thậm chí một hãng taxi phạm vi hoạt động ít nhất phải cả tỉnh đó vì còn liên quan đến các hợp đồng thuê sảnh, thuê trụ sở. Nếu yêu cầu như vậy vào phương án thì khi thay đổi sảnh lại phải làm lại phương án kinh doanh gây phiền hà cho doanh nghiệp trong cơ chế quản lý Nhà nước.
Công văn ngày 10/10/2016 của Sở GTVT Hà Nội
Mặt khác, trong công văn số 4015/SGTVT – QLVT ngày 10/10/2016, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu: “Thanh tra Sở GTVT phố hợp chặt chẽ với các lực lượng của CATP và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra…. Tổng hợp kết quả vi phạm, chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và quản lý chức vụ (PC46) – CATP mời liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước,… của các đơn vị vận tải taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội có trụ sở, chi nhánh tại các tỉnh giáp ranh Hà Nội báo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội”. Điều này đang có dấu hiệu hình sự hóa mối quan hệ quản lý hành chính nhà nước.
Việc yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo số lượng xe do Sở GTVT tỉnh khác cấp phù hiệu về Hà Nội, tôi thấy không cần thiết. Vì chức năng của các Sở GTVT các tỉnh, thành phố là như nhau, thực hiện quản lý theo lãnh thổ. Nếu muốn phối hợp thì Sở GTVT HN lấy thông tin từ các Sở bạn, như vậy sẽ đúng đắn hơn về mặt chủ trương, không gây phiền hà cho doanh nghiệp và cũng là để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
PV: Thưa Luật sư, theo bà để giải quyết tình trạng xe ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động thì chúng ta cần phải làm gì?
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh: Theo tôi hãy tôn trọng nền kinh tế thị trường để có giải pháp quản lý phù hợp, tránh tình trạng không quản lý được thì cấm. Hiện HN đang có 3000 xe ngoại tỉnh hoạt động, các xe này hoạt động không trái luật nên cũng không thể thu hồi phù hiệu của 3000 xe này được.
Tôi cho rằng, việc khẳng định hiện tượng xe taxi ngoại tỉnh ngược về Hà Nội hoạt động là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, là gánh nặng cho hệ thống giao thông nội đô chưa thực sự xác đáng. Thực tế, Hà Nội có khoảng hơn 17.000 xe taxi, nhiều hơn khoảng 5 lần số xe ngoại tỉnh theo thống kê đang hoạt trong nội thành. Do vậy, việc gây ùn tắc giao thông, cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng taxi kém, phục vụ chụp giật khách còn tồn tại theo tôi không chỉ là do các xe taxi ngoại tỉnh gây lên.
Vì vậy, thay vì cấm, các cơ quan chức năng cần phối hợp với Sở GTVT Hà Nội Hà Nội cương quyết dẹp sạch các lỗi vi phạm luật giao thông như lấn chiếm lòng lề đường, phạt nặng những xe dừng đỗ sai, đón trả khách không đúng quy định. Việc xử lí nghiêm khắc các lái xe taxi vi phạm khi tham gia giao thông sẽ khiến họ phải điều chỉnh hành vi của mình. Đồng thời, sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe hiện đại, cao tầng trong và ven thành phố. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường.
Các Sở GTVT các địa phương cần biện pháp quản lý sát sao hơn hoạt động của các hãng taxi. Sau khi cấp phù hiệu taxi cần hậu kiểm chặt chẽ để tránh việc những xe taxi này khi lên Hà Nội hoạt động, lực lượng thanh tra giao thông vận tải Hà Nội muốn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp ngoại tỉnh cũng không được phép vì không thuộc cấp quản lý.
Mặt khác để hạn chế xe taxi ngoại tỉnh hoạt động tràn lan, Hà Nội cần sớm quy định và công khai các tiêu chuẩn phát triển đầu xe, cấp phù hiệu bổ sung theo Quyết định số 4390/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.
PV: Xin trân trọng cám ơn Luật sư.