Cấm xe máy trong nội đô: Cần thay đổi cách nghĩ
Giao thông - Ngày đăng : 06:00, 15/07/2016
Đề xuất đúng đắn và hợp lý
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã đề xuất phương án từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị. Cụ thể, Hà Nội định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô.
Theo Thành ủy Hà Nội, lý do đưa ra đề xuất dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, chống ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông.
Được biết, việc hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông được Hà Nội đặt ra từ nhiều năm qua. Trước đó, năm 2003, khi lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh, gây ùn tắc tại khu vực nội đô, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân bằng quy định xe máy đi vào ngày chẵn- lẻ theo biển số chẵn - lẻ, riêng thứ Bảy, Chủ nhật lưu thông bình thường.
Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng bị bác bỏ do vấp phải phản ứng của người dân vì thiếu tính khả thi. Tại các kỳ họp gần đây nhất, HĐND thành phố cũng đã 2 lần thông qua Nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó đề cập đến hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo con số mà Hà Nội đưa ra, hiện tại trên địa bàn thành phố có 5,5 triệu phương tiện, trong đó có 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu mô tô đăng ký. Qua thống kê, bình quân hàng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ôtô đăng ký mới (chưa tính số lượng xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn đang lưu thông trên địa bàn). Với tốc độ tăng trưởng này, dự tính đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào Thủ đô và 7 triệu xe máy.
Lượng xe cá nhân quá lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc đường và ô nhiễm môi trường
Trước đề xuất Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô, trao đổi với phóng viên Báo Công lý, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá, việc hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân để chuyển sang phương tiện công cộng là một ý tưởng tốt, đúng đắn và hợp lý, thể hiện quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc phát triển đô thị.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc cấm xe máy trong nội đô là một việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả đòi hỏi các các cơ quan quản lý cần xây dựng lộ trình một cách hợp lý, trong đó chú trọng đến việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, rà soát lại toàn bộ các tuyến đường chuẩn bị cho các phương tiện công cộng hoạt động để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn.
Cần thay đổi cách nghĩ
Có thể thấy, hiện nay mới chỉ có xe buýt và xe taxi là hai phương tiện vận tải về người duy nhất trong nội thành Hà Nội. Việc Hà Nội đưa ra đề xuất cấm phương tiện xe máy theo kế hoạch đến năm 2025 khiến nhiều người dân Thủ đô tỏ ra băn khoăn, sẽ đi bằng phương tiện gì, bởi đường sá ở khu vực nội đô còn nhiều bất cập. Mặt khác, nhu cầu đi lại của người dân rất cao, trong khi xe buýt có thời gian vận hành hạn chế, còn giá cước xe taxi lại cao.
TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người đã trực tiếp gửi thư lên lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra quan điểm về các giải pháp nhằm cải thiện môi trường và giao thông Thủ đô cho rằng: “Chúng ta cần phải làm quyết liệt để người dân thay đổi tư duy và nếp nghĩ. Một đất nước muốn phát triển lên một tầm cao mới thì người dân phải ý thức và ủng hộ những đề án xây dựng và đúng với định hướng các đô thị phát triển trên thế giới. Phải kiên quyết giải quyết các vấn đề lộn xộn trong giao thông nội đô bằng chủ trương triệt để, cấm xe tự chế, xe thương binh bằng giải pháp có tình, có lý và kiên quyết nghiêm cấm toàn bộ xe máy lưu hành ở nội thành bắt đầu từ phố cổ. Song song với đó là tổ chức xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, taxi với các chính sách về vốn và thuế hấp dẫn, tạo điều kiện đi lại tốt nhất cho người dân”, TS Lạng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, nhìn tổng thể phải xác định hệ thống hạ tầng giao thông mang tính quyết định. Đầu tiên phải xem lợi thế của đất nước, địa hình, địa vật và việc bố trí các hệ thống đô thị, bố trí các cụm khu công nghiệp, các cảng hoặc nơi phát triển an sinh xã hội để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Đồng tình với đề xuất của Thành ủy Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, lộ trình thực hiện việc hạn chế phương tiện cá nhân là hoàn toàn có thể làm được. Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện cấm xe máy ở một số tuyến phố trọng điểm trước như ở khu vực phố cổ.
Ông Liêm cho rằng, quyết định của Hà Nội có lộ trình gần 10 năm thì đó là thời gian thích hợp, bởi theo dự báo tăng trưởng kinh tế thì đến năm 2025 và 2030 chúng ta sẽ khá hơn nhiều, lúc đó có điều kiện đầu tư hạ tầng. Việc đề ra phương án như lần này rất hợp lý, có thời gian để người dân suy nghĩ, các tổ chức chính trị xã hội, các chuyên gia nghiên cứu, thống nhất để chọn ra phương án tối ưu nhất.