Bằng giả, biết rồi nói mãi!
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Ảnh minh hoạ
Ở tỉnh An Giang, có 96 CBCC ở huyện An Phú và Thoại Sơn bị phát hiện sử dụng bằng giả, còn có thêm 44 CBCC sử dụng văn bằng không hợp lệ ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Tân Châu.
Mới đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm rõ trường hợp ông quyền giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh sử dụng nhiều bằng cấp giả trong thời gian dài.
Đây rõ ràng là một vấn nạn, xảy ra ở địa phương. Dư luận băn khoăn vì sao tình trạng này không giảm bớt đồng nghĩa với việc hàng loạt CBCC sử dụng văn bằng giả vẫn tiếp tục làm việc, được cất nhắc, đề bạt, được giữ những vị trí cao tại nơi làm việc sau đại hội các cấp và bầu cử HĐND các cấp vừa xong. Ngoài vấn nạn bằng giả, báo chí cũng phát hiện hiện tượng bằng thật nhưng học "giả", đó là bằng chính thức được cấp cho những người không học hoặc có ghi tên học nhưng thuê người học thay, làm bài hộ và không có năng lực tương xứng tấm bằng được cấp.
Theo các cán bộ chuyên về công tác tổ chức thì những kẻ sử dụng bằng giả là loại người biết lợi dung kẽ hở của công tác cán bộ quá coi trọng bằng cấp mà bất chấp giá trị thực của tấm bằng trong hồ sơ cán bộ nhân viên. Vừa học xong đại học đã làm gì có thời gian học vi tính, ngoại ngữ (khác) để có bằng C để nộp vào hồ sơ xin việc, các em phải mua cho đủ các chứng chỉ dỏm trăm phần trăm này. Còn những kẻ thèm chức mê quyền hãnh tiến muốn "chuẩn hóa đầu vào" thì phải mua.
Mà không có ở đâu mua bằng dễ như ở ta… Bằng giả quảng cáo bán công khai trên mạng. Việc học thuê học hộ cũng công khai luôn. Ai cũng hiểu trừ nhiều cán bộ tổ chức không hiểu. Trong lý lịch không hề khai học trường nào, ở đâu, bao giờ thế mà vẫn nhận là "cử nhân luật", "cử nhân kinh tế"… Điều nhỡn tiền là những người dùng bằng giả, bằng dỏm leo nhanh, rất nhanh lên những vị trí cao.
Ai đoán định được điều tệ hại gì sẽ xảy ra khi những người này có quyền quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến sự tồn vong của đơn vị và lớn hơn quốc kế dân sinh của cấp huyện cấp tỉnh? Bằng giả là anh em song sinh với nạn chạy chức, chạy quyền, mua quan bán chức…
Sẽ không thừa khi khẳng định rằng sử dụng bằng giả là vi phạm luật pháp. Tuy nhiên, việc xử lý CBCC sử dụng bằng giả lại quá nương tay và không có tác dụng răn đe phòng ngừa! Hầu như chưa có ai bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 1 Điều 267 BLHS: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Bằng giả, chuyện biết rồi cũng phải nói tiếp, chừng nào có kẻ bị Tòa án sờ gáy hẵng hay!
Bảo Dân