Dục tốc bất đạt
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Các cuốn từ điển xuất bản mới hơn cũng chưa có mục từ này mặc dù các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đã sử dụng khái niệm độ trễ khá phổ biến khi nói về việc phát huy hiệu quả của chính sách tài chính mới ban hành.
Để triển khai bất cứ một chủ trương chính sách nào cũng cần phải tiến hành các hoạt động như phổ biến, quyết định giải pháp, bước đi, chương trình hành động… Những việc này cần có thời gian. Chính vì vậy, cần có một độ trễ thích ứng để chính sách tài chính phát huy tác dụng. Không thể nào đưa ngay chính sách vào cuộc sống và chính sách ấy cũng không thể phát huy tác dụng tức thì.
Nghị quyết 11 ban hành vào tháng 2, thực sự triển khai từ tháng 3, tính đến nay mới có gần 4 tháng. Mặc nhiên về dư lượng, Nghị quyết 11 còn độ trễ khoảng 3 tháng nữa mới thực sự hiệu quả. Trung tuần tháng 7, việc giảm lãi suất dẫu còn ở bước nghe ngóng, thăm dò nhưng đã có tín hiệu trở thành hiện thực. Theo giới quan sát, hiện nay lãi suất huy động (LSHĐ) của các NHTM không còn “nóng” như hồi tháng 5, tháng 6 khi ngưỡng 14% bị vượt không thương tiếc bằng các chiêu lách luật, xé rào. Đây cũng là thời điểm xuất hiện ý kiến “đòi” đặt ngưỡng lãi suất cho vay không cần chờ độ trễ cần thiết của chính sách tiền tệ.
Từ chỗ LSHĐ “cứng” là 14%/năm cộng với LS “mềm” từ 4 đến 7% nay chỉ còn LSHĐ “cứng” 13,5 đến kịch trần là 14%. Các chiêu khuyến mại như tặng quà, rút thăm có thưởng hoặc nhận lãi trước… chỉ là khuyến mại tượng trưng bởi lẽ nếu hạch toán chi li, khoản này cũng chỉ có giá trị dưới 0,1% trong LSHĐ. Trong trường hợp này, độ trễ đòi hỏi cần có thời gian để việc giảm LSHĐ trở thành đại trà… Trong bối cảnh đó, người ta kỳ vọng việc giảm lãi suất cho vay (LSCV) sẽ tương ứng khi LSHĐ giảm nhưng vẫn cần quan tâm đến độ trễ để phạm trù nhân quả trở thành hiện thực. Như vậy, việc yêu cầu giảm ngay tức thì LSHĐ và LSCV là không thể.
Đã có những nhận định không mấy lạc quan về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay. Điều này chỉ đúng một phần. Như chính các DN cho rằng nguồn vốn vay NHTM chỉ là một kênh, tại sao không huy động vốn từ các kênh khác trong khi không thể tức thời đưa LS về đúng quỹ đạo. Dục tốc bất đạt! Một khi thanh khoản của hệ thống NHTM tốt hơn, lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định “đứng” ở mức 12-13%/năm, lãi suất OMO được điều chỉnh giảm 1%... hợp thành tín hiệu sẽ giảm LSHĐ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các chính sách điều hành “mềm” của Ngân hàng Nhà nước đã phát huy tác dụng.
Bảo Dân