Cần hội chẩn
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Dư luận xã hội rất bức xúc trước những hiện tượng tiêu cực trong thi cử như việc bắc thang ném bài thi, mang phao vào phòng thi rồi chấm nới chấm nương tay làm tròn điểm… Hẳn vì vậy, Chính phủ đã ra Chỉ thị 33 đưa giáo dục vào nền nếp. Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa Chỉ thị 33 bằng việc phát động phong trào “hai không”, “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Ai cũng hy vọng việc “nói không” này sẽ có tác động với căn bệnh mãn tính của ngành giáo dục. Sang năm 2007 (thi lần 1) chỉ đạt 66,7%, trong đó có nhiều địa phương đạt dưới 50%. Ai cũng ngỡ Bộ trưởng đã bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc, nhưng đến năm 2008 thi tốt nghiệp THPT cả nước đạt 83%, năm 2009 đạt 83,8%, năm 2010 trên 90% và năm 2011 chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng dần theo mỗi năm sau phong trào “hai không” chẳng nói lên điều gì về chất lượng học tập cả! Và phải chăng, Bộ trưởng đã thôi kiêm nhiệm, ngành giáo dục… quên luôn phong trào “hai không”, hay học trò ngày càng học giỏi hơn?
Phải đến khi vụ bắt tay ký kết của 11 tỉnh ĐBSCL nhằm hợp thức hóa việc chấm nới thì dư luận mới ớ ra vì một lý do đỗ cao đã lộ diện?
Trong đó có tác động của “Biên bản thống nhất…” mà 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL đã ký kết nhằm công khai thỏa thuận “nâng cao chất lượng” bằng cách cho điểm “vô tư” bài làm của thí sinh. Scandal thi cử này gây sốc nặng, làm chấn động ngành giáo dục, trong khi các tỉnh thành đang rất phấn khởi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đỗ cao nhất từ trước tới nay!
Phát huy truyền thống đỗ cao, một vài năm nữa tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ đạt 100%, vậy thì cần gì phải tổ chức thi quốc gia! Nhưng làm sao lấy kết quả kỳ thi cử à uôm này để xét tuyển vào ĐH-CĐ? Đầu vào kiểu này thì các trường ĐH-CĐ chắc phải mở khoa dự bị đại học mất thôi.
Bệnh thành tích lại tái phát với các triệu chứng trầm trọng hơn, công khai hơn cần được chẩn trị và bốc phương thuốc đặc trị khác mà ngành giáo dục phải làm thay vì qua đầu tư cho dự án 70.000 tỷ đang bị xăm soi!
Bảo Dân