Mưu sinh ở tuổi nhi đồng
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Ở cả nông thôn lẫn thành thị, trẻ em vẫn phải oằn mình làm những công việc vất vả. Hiện có hàng vạn trẻ em Việt Nam phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Rất có thể, số liệu không được cập nhật, dễ lạc hậu, nhưng dẫu sao cũng đủ để dóng lên hồi chuông cảnh báo gây xúc động sâu sắc.
Kết quả nghiên cứu của Bộ LĐTBXH về tình hình lao động trẻ em ở 8 tỉnh thành trọng điểm (Quảng Nam, Lào Cai, Hà Nội, An Giang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và Tp. Hồ Chí Minh) cho thấy, LĐTE khá phổ biến ở nhiều nơi. Đáng lưu ý là khoảng 50% trẻ em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Trung bình, trẻ em làm việc 4-5 giờ một ngày và thậm chí đôi khi đến 6 giờ hoặc cao hơn. Trong trường hợp đặc biệt, tại các cơ sở may mặc, chế biến thực phẩm trẻ phải làm 8-9 giờ, thậm chí 10-12 giờ/ngày. Nghiêm trọng hơn là hoạt động của các băng nhóm "cướp cạn" khi chăn dắt trẻ em để buộc chúng phải đi ăn xin
Ở nước ta, LĐTE là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Mặc dù luật pháp Việt Nam cấm sử dụng LĐTE dưới 15 tuổi nhưng trẻ em vẫn phải chia sẻ gánh nặng công việc và trách nhiệm gia đình ở cả nông thôn lẫn thành thị. Khi cần phụ việc người ta thường sử dụng LĐTE vì chúng luôn có mặt mọi lúc mọi nơi, dễ tìm kiếm, tiền công rẻ mạt lại dễ đuổi việc. Nghèo đói, thất nghiêp, thiên tai, đẻ nhiều, đô thị hoá, vấn đề di cư đến các đô thị phát triển… trở thành nguyên nhân gia tăng LĐTE. Các vụ lao động trẻ bị hành hạ dã man như Nguyễn Thị Bình ở Hà Nội và Hào Anh ở Cà Mau chỉ là giọt nước tràn ly!
Ở nước ta, mặc dù số trẻ em phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã giảm từ trên 68.000 em (năm 2005) xuống còn trên 25.000 em (số liệu năm 2009) nhưng việc giải quyết tình trạng LĐTE vẫn còn là thách thức lớn khi Việt Nam còn nghèo và chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói.
Vấn đề LĐTE không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể về xóa bỏ LĐTE và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng trong nước và quốc tế. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực và bóc lột lao động trẻ em để không còn tái diễn những trường hợp nghiêm trọng.
Theo Bộ LĐTBXH, nước ta sẽ nỗ lực cố gắng xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016 như một lộ trình toàn cầu tất yếu đang được nhiều quốc gia hưởng ứng. Đã đến lúc cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Lao động để xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi bóc lột LĐTE và sử dụng LĐTE không đúng pháp luật.
Cùng với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, cần bắt buộc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng với cha mẹ, người thân của trẻ em. Bốn năm sẽ qua nhanh trong khi còn bao nhiêu việc phải làm để xóa bỏ nạn bóc lột sức lao động của trẻ em!
Bảo Dân