Xử lý nghiêm việc thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng để tái sản xuất, bán lại kiếm lời
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 10:20, 09/02/2020
Thông tin trên đã được ông Hoàng Ánh Dương Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT đưa ra tại buổi làm việc với Cục QLTT tỉnh Lai Châu mới đây. Chính vì vậy, ông Hoàng Ánh Dương yêu cầu Cục QLTT Lai Châu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện có hành vi như vậy phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình Cục QLTT Lai Châu phải làm hết trách nhiệm, huy động tối đa lực lượng ra quân để thực hiện chiến dịch cao điểm phòng chống dịch lây lan, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi găm hàng, tăng giá bán các mặt hàng thiết bị y tế.
Theo ông Đỗ Văn Tính, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lai Châu, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục QLTT tỉnh Lai Châu đã tiến hành kiểm tra 355 cơ sở kinh doanh, phát hiện xử lý 226 vụ, gồm 6 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu; 88 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, găm hàng; 37 vụ vi phạm an toàn thực phẩm…Cục đã chỉ đạo sát sao các Đội tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tạo sốt ảo để tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn...
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện chiến dịch cao điểm phòng chống dịch do virus corona. Ảnh: Dms.gov
Trong những ngày vừa qua, lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng vật tư y tế. Báo cáo của Tổng cục QLTT cho thấy trong ngày 8/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 249 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc trên địa bàn cả nước, phát hiện 52 cửa hàng vi phạm, xử phạt 88.400.000 đồng, tạm giữ 196.267 khẩu trang các loại.
Tính chung từ ngày 31/1 đến ngày 8/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 3.455 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, cửa hàng, hiệu thuốc. Hiện tượng khan hàng tiếp tục xảy ra đối với các mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng phục vụ phòng bệnh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đối với sản phẩm khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn bị thu giữ, Tổng cục QLTT cũng đã có công văn Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn công tác xử lý.
Cụ thể, về quy trình xử lý, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khan hiếm các mặt hàng khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn đang diễn ra trên cả nước, để nhanh chóng xử lý đưa số hàng hóa đảm bảo chất lượng, rõ ràng thông tin về tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch của nhân dân, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các Đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện mốt số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữ toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Đối với những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.