Cảnh giác phương thức lừa đảo mới, chiếm đoạt tiền trong thẻ ATM

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 13:15, 02/10/2019

Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong ngân hàng đang dần trở nên tinh vi, gian xảo với nhiều thủ đoạn mới. Để tự bảo vệ tài sản cá nhân, người dân cần nắm rõ một số nguyên tắc trong giao dịch.

Cảnh giác với thủ đoạn mới

Sau nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng xảy ra gần đây có thể thấy loại tội phạm này đang sử dụng những phương thức mới nhằm đánh cắp thông tin và rút tiền trong tài khoản/thẻ của người sử dụng. Có thể kể tới một số phương thức như:

Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là các dịch vụ ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.

Đối tượng lừa đảo thông báo cho khách hàng khi đăng ký các dịch vụ ngân hàng sẽ được hưởng khuyến mại. Khách hàng thực hiện đăng kí dịch vụ kết nối tài khoản ngân hàng với ví điện tử và cung cấp lại các thông tin dịch vụ cho cho đối tượng lừa đảo.

Khách hàng đang sử dụng ví điện tử đăng tải câu hỏi lên Website/Fanpage của nhà cung cấp. Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin các dịch vụ ngân hàng như là 01 bước để khắc phục lỗi dịch vụ.

Đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân/người mua hàng thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào đường link giả và cung cấp cho đối tượng các thông tin về tên truy cập, mật khẩu, mã OTP của khách hàng.

Khách hàng làm thủ tục vay tiền trên mạng, đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng để hoàn tất thủ tục vay.

ngan-hang

Ảnh minh họa

Làm sao để bảo mật thông tin?

Thực tế, để lấy lại số tiền bị mất vào tay đối tượng lừa đảo thường phải qua quá trình tố cáo, đợi cơ quan công an vào cuộc, mất rất nhiều thời gian và không phải lúc nào cũng đạt kết quả. Để tự bảo vệ tài sản cá nhân, người dùng nên chủ động làm theo một số nguyên tắc dưới đây:

Luôn giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập/mật khẩu truy cập/mã xác thực giao dịch một lần – OTP) và thông tin thẻ (số thẻ/mã PIN/ngày hết hạn/mã CVV/mã CVC). Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).

Không nên lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử và các website cũng như dưới bất kỳ hình thức nào. Hạn chế truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch tài chính trên các thiết bị lạ.

Phải xác thực thông tin đối với người đề nghị chủ tài khoản thực hiện giao dịch tài chính. Đối tượng lừa đảo thường mạo danh người quen của chủ tài khoản (đối tượng đã tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội hoặc nguồn thông tin khác), gợi ý chủ tài khoản cho vay hoặc chuyển tiền tới tài khoản của của đối tượng lừa đảo.

Kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch, chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật. Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

Trang Nhi