Có nên tẩy chay thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành?
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 15:03, 17/03/2019
Bệnh dịch tả lợn châu Phi do virus tả lợn Châu Phi (African swine fever virus - ASFV) gây ra. Bệnh lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn với tỉ lệ lợn chết vì nhiễm bệnh lên đến 100%. Bệnh này phát hiện đầu tiên tại Châu Phi vào năm 1921, có hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện dịch tuy nhiên vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị.
Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người
Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Hoặc do vận chuyển lợn bệnh, cũng có thể lây qua các vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết hoặc có mầm bệnh. Virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh sẽ chuyển sang thể mãn tính, mang virus suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng vì dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Virus tả lợn Châu Phi sống được rất lâu ở môi trường bình thường. Virus có thể tồn tại trong tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt. Nhưng virus này chịu nhiệt kém. Theo nghiên cứu, virus này tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Người chăn nuôi chủ động tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột khu vực chuồng trại
Để chọn thịt lợn an toàn, Cục y tế dự phòng - Bộ y tế đã hướng dẫn người dân cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi, để lựa chọn sản phẩm thịt lợn an toàn cho mình. Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt; Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh; Khi mổ ra lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực.
Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.
Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh có màu nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước ...
Trong khi thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chỉ đạo phòng chống dịch tại Hòa Bình
Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch, quầy hàng ở chợ có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm dịch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua. Phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...
Hiện có 18 địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An và Bắc Ninh.
Các bộ, ngành cùng với chính quyền và người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cụ thể các biện pháp tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, bao vây khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp bao vây dập dịch, đặt biển báo, lập chốt kiểm soát, nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra vào vùng có dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Người chăn nuôi phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại. Khi phát hiện có lợn chết bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng.