Người dân cần thận trọng trước "bẫy" quảng cáo thực phẩm chức năng

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 22:15, 22/11/2018

Một trong những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật.

Thông tin trên được TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội nghị khoa học Quốc tế về TPCN lần thứ 2 do Bộ Y tế, Cục ATTP và Hiệp hội TPCN Việt Nam tổ chức ngày 22/11.

Loạn quảng cáo

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, TPCN được bán tại rất nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online trên website hoặc trên mạng xã hội... Điều này đã hình thành nhiều vấn đề tồn tại, liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mặt hàng này. 

Điển hình như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, khác với các quốc gia phát triển khác, thực phẩm chức năng là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Thuật ngữ TPCN được quy định trong Luật An toàn thực phẩm là khá rộng khiến nhiều nhà sản xuất lợi dụng để công bố công dụng, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Mặc dù, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định thu hẹp phạm vi quảng cáo TPCN như dán nhãn “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, cấm “kê đơn, hướng dẫn điều trị, chữa bệnh với các loại sản phẩm không phải là thuốc”… nhưng do có quá nhiều loại sản phẩm, có sản phẩm lại có sự giao thoa trong quản lý và ý thức chấp hành của doanh nghiệp chưa cao nên việc thực thi trở nên khó khăn.

Người dân cần thận trọng trước

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15.500.000 người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh thành cả ở nông thôn và thành thị.

Theo ông Phong, quá trình thanh kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh một số nhân vật nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

"Nhiều người đã tin vào quảng cáo TPCN, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng lên, đến khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh", ông Phong cho hay.

Cần siết chặt quản lý

Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng liên tục tăng, năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay, cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.

Tuy nhiên, một thực tế là nhiều doanh nghiệp biến mặt hàng này thành đa cấp, bất chính, khiến ngành thực phẩm chức năng bị biến tướng. Bên cạnh đó, lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo, mất niềm tin với người tiêu dùng.

Ghi nhận thời gian qua việc kiểm soát chất lượng chất lượng TPCN đã được các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt để phát hiện, xử lý các vụ vi phạm quảng cáo, vi phạm chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Đáng cho rằng, cách làm hiện nay chưa trúng hướng, vì kiểm soát thực phẩm là phải kiểm soát ngày từ những khâu sản xuất đến khi sử dụng chứ không phải khi sản phẩm ra thị trường rồi mới kiểm tra. Cách quản lý này đã khá lạc hậu vì chúng ta không có đủ lực lượng để làm được hết việc kiểm tra tất cả các sản phẩm trên thị trường.

Người dân cần thận trọng trước

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, để tạo môi trường cho doanh nghiệp tốt phát triển, thời gian tới Chính phủ cũng như các Bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực tiễn nhiều doanh nghiệp dù chưa được chứng nhận GMP, nhưng qua khảo sát của cơ quan chức năng thì thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn GMP, và họ đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Đến nay đã có 10 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt GMP; dự kiến thời gian tới sẽ có khoảng 100 đến 200 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP.

“Hiện nay không lo thiếu TPCN, mà chỉ lo thiếu TPCN chất lượng tốt. Nếu để thị trường TPCN như hiện nay, thì doanh nghiệp đầu tư tốt, đảm bảo quy định pháp luật cũng bằng với doanh nghiệp đầu tư nhỏ, chất lượng chưa tốt; doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thông thường sẽ sản xuất thực phẩm chức năng và chất lượng sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Thảo Nguyên