Mua hàng của công ty đa cấp: Cẩn thận kẻo bị lừa
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 11:29, 30/06/2018
Theo phân tích của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, một số công ty bán hàng đa cấp cung cấp những sản phẩm thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường, nhưng hình thức phân phối lại khiến nhiều người tiêu dùng chưa yên tâm hoàn toàn. Quá trình lựa chọn sản phẩm của công ty bán hàng đa cấp đòi hỏi mỗi người phải trở thành người tiêu dùng thông minh. Vì vậy, mỗi người phải có khả năng dựa vào tiêu chuẩn nhất định để đánh giá độ tin cậy của công ty bán hàng đa cấp trước khi xác định mua.
Việc mua hàng từ các cửa hàng chính hãng, giúp cho khách hàng tránh được rủi ro lớn hơn rất nhiều so với các hình thức mua hàng khác. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số ngày nay, việc đến tận công ty để mua hàng không còn phù hợp với đa số người tiêu dùng. Mua hàng trực tuyến (mua hàng online) là một lựa chọn của đa số người dân.
Do đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo để mua hàng trực tuyến từ một công ty đa cấp, ngoài việc tìm hiểu thông tin như trên, người tiêu dùng cần tìm hiểu thêm: Công ty có chính sách đổi trả sản phẩm không?. Hầu hết các công ty bán hàng đa cấp chính thống đều có chính sách đổi trả sản phẩm theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP. Còn các công ty bất chính không cho phép đổi trả hàng sau khi mua.
Các công ty đa cấp bất chính thường giao sai sản phẩm, chất lượng hàng kém hoặc hàng hỏng, hàng giả nhưng không thu hồi lại; giao hàng nhái, hàng có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên website; đăng sai giá hoặc hủy đơn hàng không lý do khiến người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước. Sản phẩm của công ty đa cấp bất chính thường không có nhãn mác, khi khách hàng mua sẽ không được cung cấp hóa đơn mua hàng; không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm đối với thực phẩm và thực phẩm chức năng để đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Thông tin cho thấy, năm 2017 Cục Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại một trang web trung gian. Theo đó, các vụ việc chủ yếu có nội dung như công ty chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm,… gây tâm lý bức xúc cho người tiêu dùng… Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành làm việc với công ty này và đề nghị giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng và giải trình về quy trình kinh doanh của công ty.
Do có rất nhiều trang website bán hàng online theo hình thức trung gian giống như trường hợp nói trên cũng thực hiện không đúng quy trình, nên Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người tiêu dùng cần thiết phải tỉnh táo mua ở trang website chính hãng của công ty, không nên mua sản phẩm trên những trang website bán hàng trung gian.
Tự bảo vệ bằng cách nào?
Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị trực tiếp để bán lẻ hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới nhà phân phối. Đây là mô hình kinh doanh tiên tiến, hiện đang phát triển mạnh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, với hơn 30.000 công ty áp dụng việc phân phối hàng hóa theo mô hình này. So với các ngành kinh doanh khác, Bán hàng đa cấp còn khá non trẻ tại thị trường Việt Nam nhưng đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, do hoạt động bán hàng đa cấp phát triển nhanh cả về quy mô doanh nghiệp lẫn số lượng người tham gia nên đã phát sinh nhiều hệ lụy. Có nhiều công ty, tổ chức lợi dụng danh tiếng ngành bán hàng đa cấp để trục lợi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người tiêu dùng từ đó dẫn đến cái nhìn chưa đúng của mọi người đối với ngành bán hàng đa cấp chân chính. Tuy có pháp luật bảo vệ, nhưng đối với người tiêu dùng, tốt hơn hết là phải tự bảo vệ mình để không bị “tiền mất tật mang”.
Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý khi mua hàng, cần lựa chọn trang thương mại điện tử hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử “tốt” để giao dịch, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.
Cần cảnh giác với những trang website hoặc tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hoăc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình. Đặc biệt là phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua.
Luật bảo vệ người tiêu dùng trong bán hàng đa cấp đã ghi rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp: Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định; cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định của luật bảo vệ người tiêu dùng trong bán hàng đa cấp.