100% thịt lợn tại chợ Nghệ (Sơn Tây) không có dấu hiệu kiểm dịch
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 10:00, 25/04/2018
Khu giết mổ tập trung của ông Lê Đức Thọ, tại cụm 10 thôn Thanh Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó dự án LIFSAT hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, có công suất 120 con/ ngày.
Mặc dù được cấp giấy phép hoạt động giết mổ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực giết mổ, đưa vào hoạt động từ tháng 10/2017, thế nhưng số hộ hoạt động tại khu giết mổ của ông Lê Đức Thọ ngày một ít dần. Đặc biệt từ 1/4/2018, 5 hộ còn lại của khu này đã không chấp hành, không chịu sự kiểm soát về giết mổ của cơ quan thú y.
Ông Lê Đức Thọ buồn rầu cho biết: "Trước đây có 7-8 hộ, nhưng do sự quản lý lỏng lẻo của các cấp nên giờ các hộ lại đi mổ ở các nơi khác để tránh sự kiểm soát của các cơ quan ban ngành. Hiện nay chỉ còn các anh em con cháu trong gia đình giết mổ tại đây".
Còn nhiều bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ ở Phúc Thọ
Hiện nay, tại huyện Phúc Thọ có 5 cơ sở giết mổ (4 cơ sở giết mổ lợn, 1 cơ sở giết mổ gia cầm) được cấp phép, vẫn còn hơn 100 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát tại khu dân cư, riêng tại xã Sen Chiểu đã có 15 hộ.
Theo anh Khuất Văn Trung – Cụm 14 thôn Thanh Chiểu - Xã Sen Chiểu – Huyện Phúc Thọ, bản thân gia đình đã giết mổ tại khu giết mổ tập trung và chấp hành sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn được 6 tháng, nhưng nay chuyển ra khỏi khu giết mổ tập trung là do phải chịu mất phí về kiểm soát giết mổ, phi giết mổ, thuê địa điểm mỗi tháng lên từ 12 - 20 triệu đồng. Trong khi các hộ giết mổ tại gia đình không phải chịu các loại phí này mà vẫn được do hoạt động và buôn bán.
Có tình trạng này là do tại chợ đầu mối nông lâm sản Sơn Tây, nơi tập trung buôn bán của hộ giết mổ tại Phúc Thọ, Sơn Tây và các vùng phụ cận, các loại thịt có dấu hay không đều tự do buôn bán như nhau. Chợ này theo phân cấp thuộc quản lý của thị xã Sơn Tây, hiện có 103 hộ kinh doanh thịt lợn, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300-400 con lợn, cung cấp cho các bếp ăn tập thể của quân đội, trường học. Nhưng theo Ban quản lý chợ họ chỉ quản lý số hộ kinh doanh, việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế… chứ không làm nhiệm vụ chuyên môn, kiểm soát giết mổ. Theo thừa nhận của ngành thú y, từ 1/4/2018, toàn bộ số thịt lợn kinh doanh tại khu chợ này đều không có dấu kiểm soát giết mổ.
Hiện nay 100% thịt lợn tại chợ Nghệ - Sơn Tây không có dấu kiểm soát giết mổ
Ngày 12/1/2018, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Sen Chiểu phải quyết liệt vào cuộc để từng bước di dời các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào điểm giết mổ tập trung. Thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Trạm thú y Phúc Thọ, Chi cục thú y Hà Nội đã có văn bản báo cáo cấp trên, xin hướng xử lý về tình trạng này.
Sự việc 100% thịt lợn tại chợ Nghệ - Sơn Tây không có dấu kiểm soát giết mổ đã diễn ra một thời gian trong sự bất lực của ngành thú y. Câu hỏi được đặt ra là sự việc này tồn tại đến bao giờ, các cơ quan chức năng của thị xã Sơn Tây ở đâu và nếu xảy ra dịch bệnh ai là người chịu trách nhiệm?