Đừng chậm trễ kết luận vụ cà phê "pin"
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 10:49, 23/04/2018
Như đã thông tin, từ ngày 15 đến 17/4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Đắk Nông) đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ở thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) có hành vi nhuộm đen phế phẩm cà phê bằng pin.
PC49 Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn có 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin.
Công an tỉnh cũng cho biết, chủ cơ sở khai nhận đã bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước.
Trước sự việc này, ngày 18/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc phát hiện cơ sở nông sản nhuộm đen phế phẩm cà phê bằng pin.
Bên trong cơ sở nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin (Ảnh TT)
Thông tin ban đầu về vụ việc khiến dư luận rất bất bình, bởi lẽ ngay trước đó chỉ vài ngày vụ việc thuốc ung thư giả làm bằng than tre ở Hải Phòng làm nhiều người choáng váng.
Cho đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng về vụ việc. Theo Công an, vụ việc có nhiều tình tiết mới nên vẫn đang tiếp tục đấu tranh với chủ cơ sở thu mua nông sản để làm rõ động cơ, mục đích của hành vi này.
Rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý lên tiếng nghi vấn việc nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin. Phần lớn cho rằng, việc nhuộm phế phẩm cà phê với pin là không thuyết phục. Chủ cơ sở có thể làm nhiều cách khác không nhất thiết là dùng lõi pin. Và chúng ta cũng không loại trừ khả năng là sự phá hoại có chủ đích.
Vụ việc đang dần đi xa hơn không thể kiểm soát do sự "hăng hái" của truyền thông và mạng xã hội.
Phát biểu trên báo chí, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng, với cách dùng pin để nhuộm các phế phẩm cà phê thì khó mà sử dụng làm thực phẩm được.
Ông Quy cho rằng việc sản xuất cà phê giả, cà phê kém chất lượng thì phải dùng từ các sản phẩm tương đương như đậu, bắp… chứ nếu làm từ đá, từ pin rất khó sử dụng.
Đại tá Quy cũng cho rằng, trước mắt phải làm rõ động cơ của cơ sở này khi nhuộm phế phẩm cà phê với pin nhằm mục đích gì từ đó mới có cơ sở kết luận chính xác vụ việc.
Đã có rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam phải điêu đứng vì những vụ việc tương tự. Thông tin "cà phê pin" mấy ngày qua ảnh hưởng rất lớn đến ngành cà phê, thương hiệu cà phê không chỉ riêng Đắk Nông mà của cả thương hiệu nông sản Việt Nam.
Khi cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức thì chính những người tiêu dùng cần tỉnh táo, mỗi người nên là một kênh truyền thông hiệu quả để đấu tranh với hành vi gian dối đồng thời bảo vệ giá trị cho những sản phẩm chất lượng của Việt Nam.