Quyền lực của người tiêu dùng
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 06:59, 31/10/2017
Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra vì có dấu hiệu hình sự.
Trước đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành triển khai công tác kiểm tra, Tổng cục Thuế đã bước đầu chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn TP. Hà Nội có những động thái hợp lý trong quyền hạn và trách nhiệm của mình để đánh giá việc chấp hành pháp luật, nghĩa vụ về thuế trong bán hàng, kê khai,... của doanh nghiệp này.
Theo ông Hoàng Khải, chủ của Tập đoàn Khai Silk, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khai Silk không tìm đủ nguồn hàng trong nước. Việc các doanh nghiệp nhập nguyên liệu hay sản phẩm từ nước ngoài để sản xuất, kinh doanh là điều bình thường nếu như họ tôn trọng quy định của pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng vẫn đặt hàng sản xuất tại nhiều quốc gia, song họ phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đối với nguyên liệu nhập khẩu, trong quy trình sản xuất cũng phải ghi rõ nguồn gốc. Việc cắt nhãn mác cũ, thay bằng nhãn mác mới của doanh nghiệp để bán với giá cao không chỉ là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng mà còn có dấu hiệu của hành vi làm hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ…
Tuy nhiên, điều nguy hiểm là hiện nay có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận đã làm ăn gian dối, và vụ việc nêu trên không phải là cá biệt. Trên thị trường hiện nay nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng được sản xuất ở Trung Quốc. Một số doanh nghiệp, thương nhân nhập hàng may mặc, điện tử, da giày… giá rẻ từ nước ngoài rồi đóng mác sản xuất trong nước để bán với giá cao. Người tiêu dùng bằng mắt thường khó có thể phân biệt xuất xứ hàng hóa trong khi vai trò của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cho rằng, hành động lập lờ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của hàng Việt. Nhưng để xử lý trường hợp làm ảnh hưởng tới uy tín hàng Việt, niềm tin của người tiêu dùng này như thế nào thì cần phải nghiên cứu và đối chiếu theo quy định của pháp luật.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định: Người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan…
Luật đã quy định rõ, nhưng từ trước đến nay việc làm giả, chất lượng kém của các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không bị khách hàng tẩy chay, khởi kiện.
Theo ý kiến của các luật gia, ngoài xử lý theo quy định của pháp luật, đây là lúc người tiêu dùng nên thể hiện quyền lực của mình, nếu thấy cần thiết có thể tẩy chay các sản phẩm gian dối. Đó cũng là cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình cũng như góp phần bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, thương hiệu Việt.