Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trong hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 11:49, 26/07/2017
Thông tin tại cuộc họp báo "Thông tin kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017”, đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng cục nghiệp vụ và pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu vẫn còn xảy ra phức tạp, trọng điểm là tại các vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Kiên Giang…
Đối tượng đầu nậu trong nước cấu kết với các đối tượng người nước ngoài sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá hoán cải các khoang, hầm, téc bí mật để chứa xăng dầu lậu mua của tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh, sau đó bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bở hoặc vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Đại tá Trần Văn Nam
“Các đối tượng buôn lậu mỗi một mặt hàng có những thủ đoạn khác nhau, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự kiểm soát, ngăn chặn của cơ quan chức năng”, Đại tá Trần Văn Nam nhấn mạnh. Thậm chí tại vùng biển biên giới tây nam, lực lượng cảnh sát biển gần đây thu giữ được cả súng máy, băng đạn trên các tàu buôn lậu, ngoài ra còn có các thiết bị quan sát, thiết bị vệ tinh để tránh cơ quan chức năng từ xa.
Tại vùng biển phía Tây Nam, các đối tượng buôn lậu xăng dầu thường hoạt động tại vùng biển xa, giáp ranh Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Với mặt hàng xăng dầu, tàu buôn lậu thuộc sở hữu của nước ngoài là chủ yếu. Thuyền trưởng và chủ tàu thường là người Thái Lan. Xăng dầu được buôn bán lậu cung cấp cho các tàu hậu cần nghề cá, tàu cá cải hoán, tàu đánh cá. Xăng dầu này buôn bán bấp hợp pháp, trốn thuế trên vùng biển của Việt Nam.
Khi phát hiện cơ quan chức năng, các đối tượng cơ động chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam. Điều này gây không ít phức tạp cho các cơ quan chức năng. Ngoài ra, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều người lao động nước ngoài như Lào, Campuchia, Afganistan gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, truy bắt.
Tại khu vực biển đông bắc và miền Trung, việc buôn lậu than và các loại khoáng sản cũng diễn ra phức tạp. Các tổ chức buôn lậu thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh khác nhau; sử dụng hồ sơ giấy tờ, quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa những khoáng sản có nguồn gốc khai thác bất hợp pháp, trôi nổi nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng buôn lậu cũng lợi dụng việc vận chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, trong nội địa, trong quá trình vận chuyển trên biển… cho chuyển hướng vận chuyển trái phép qua biên giới.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý 114 vụ vi phạm
Đại diện của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát biển phát hiện, xử lý 114 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa thu giữ 110 tỷ đồng, khởi tố 52 vụ với 97 người.
Riêng về các đối tượng buôn lậu trên biển, cảnh sát biển đã bắt giữ được 30 vụ, trên 30 tàu. Bắt giữ 184 kẻ buôn lậu. Lực lượng này còn thu giữ 3.051 tấn quặng titan; 15.000 tấn than; hơn 5 triệu lít dầu DO. Tổng giá trị hàng hóa thu giữ ước tính 120 tỷ đồng.
Việc mua bán trái phép xăng dầu trên biển, làm thất thu ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển, vì tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp giữa các nhóm đối tượng. Việc làm này cũng tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng giữa các DN trong ngành kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại cho DN kinh doanh chấp hành đúng pháp luật, gây mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật của nhà nước.
Bên cạnh đó, chất lượng xăng dầu không được kiểm soát có thể gây nguy hại cho động cơ, ảnh hưởng đến an toàn cũng như gây thiệt hại cho ngư dân; Nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường biển vì các tàu buôn lậu thường dùng tàu cũ nát không được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn khi sang mạn dầu trên biển. Ngoài ra, quá trình buôn lậu tạo ra những đồng tiền bẩn, các đối tượng sẽ phải tìm cách rửa tiền ở trong hoặc ngoài nước, tạo cơ hội phát sinh các loại tội phạm khác, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, gây bất ổn cho an ninh trật tự.
Trước những diễn biến phức tạp của việc buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, cũng như hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trọng tâm 6 tháng cuối năm, BCĐ 389 quốc gia xác định, tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, xăng dầu. Cùng với đó chỉ đạo và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực quản lý của mình, xác lập các chuyên đề, chuyên án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời, hiệu quả.