Mua hàng từ xa: Cẩn thận kẻo mua bực vào người

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 13:47, 19/05/2017

Với hình thức mua hàng từ xa, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp sản phẩm, vì thế, khả năng nhận hàng khác so với quảng cáo là rất cao, đặc biệt là với mặt hàng trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm…

Theo thông tin từ Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thời gian qua, người tiêu dùng đã khiếu nại về việc mua bộ trang sức trị giá hơn 1 triệu đồng sau khi xem quảng cáo của công ty Cát Hưng Thịnh trên truyền hình. Sau khi trả tiền và nhận hàng, người tiêu dùng kiểm tra và cho rằng bộ sản phẩm bị ố và rất thô sơ.

Sau khi người tiêu dùng phản ánh, công ty đã tiến hành nhận lại hàng để bảo hành. Tuy nhiên, sản phẩm nhận được sau đó có chất lượng kém hơn sản phẩm ban đầu. Người tiêu dùng đã liên hệ lại công ty nhưng cuộc gọi không được tiếp nhận. Sau khi được Cục Quản lý cạnh tranh tư vấn, hỗ trợ, các bên thống nhất giải quyết qua hình thức nhận hàng – hoàn tiền.

Do đó, đối với những vụ việc mua hàng qua tivi, qua điện thoại, internet, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác đối với hình thức mua hàng từ xa. Với hình thức này, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp sản phẩm, vì thế, khả năng nhận hàng khác so với quảng cáo là rất cao, đặc biệt là với mặt hàng trang sức, đồ điện tử, mỹ phẩm…

Nếu được yêu cầu trả tiền trước và không được cung cấp đủ thông tin về sản phẩm để kiểm tra, người tiêu dùng có quyền từ chối nhận hàng và yêu cầu hoàn trả lại cho công ty. Phương thức thanh toán này tiềm ẩn một số rủi ro cho người tiêu dùng như: sản phẩm không được như quảng cáo; sản phẩm cũ, hỏng; người tiêu dùng không thể lấy lại được số tiền đã bỏ ra…

Mua hàng từ xa: Cẩn thận kẻo mua bực vào người

Người tiêu dùng cần cảnh giác đối với hình thức mua hàng từ xa

Vụ việc nêu trên là một trong những vụ việc điển hình về giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm 2017. Cục Quản lý cạnh tranh cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Cục Quản lý cạnh tranh đã ghi nhận 1.895 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1032 cuộc gọi, chiếm 54,46%. Trong số 1032 cuộc gọi nêu trên, có 270 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tháng 2 và tháng 4 có số lượng các yêu cầu tư vấn, phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhất. Đây là thời điểm gần Tết nguyên đán và kỳ nghỉ lễ 30/4 – 01/5, nhu cầu mua sắm tăng cao trên cả nước, vì vậy, rất nhiều vi phạm về tiêu dùng đã xảy ra.

Ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (52 trường hợp, chiếm khoảng 19%). Sau đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp, chiếm 15,8%) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp, chiếm 14%) . Tương tự như năm 2015 và 2016, 3 nhóm ngành hàng này thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.

Nếu phân loại theo nhóm hành, trong số 270 vụ việc phản ánh tới Cục, có 33% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 20%, cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (8%), và các hành vi khác (21%).

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 70 và 75 vụ việc). Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là Đồng Nai và Nghệ An. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố khác nhưng số lượng tại từng địa phương là rất nhỏ.

Ngoài các khiếu nại nêu trên, người tiêu dùng còn gặp hiện tượng nhận được các cuộc gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, trúng phiếu mua hàng với giá trị cao. Kèm theo đó, người tiêu dùng được yêu cầu nộp một khoản tiền nhỏ để có thể nhận thưởng hoặc nhận phiếu mua hàng. Nhiều người tiêu dùng đã nộp khoản tiền nhưng thực tế khi nhận được quà thưởng thì là sản phẩm có giá trị nhỏ hơn so với khoản tiền đã nộp. Khi liên hệ lại số điện thoại đã gọi thì vụ việc không được tiếp nhận để giải quyết hoặc thậm chí không liên hệ được.

 Đối với những cuộc gọi điện thoại với nội dung như trên, Cục quản lý cạnh tranh cảnh báo người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin cẩn thận, tránh rơi vào việc bị lừa đảo.

Lan Trần