Thông tin sai sự thật về an toàn thực phẩm: Hậu quả khôn lường

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 15:00, 22/10/2016

Những thông tin về an toàn thực phẩm luôn có sức lan tỏa rất lớn, nhất là khi được phát ra từ các cơ quan báo chí. Khi những thông tin này sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và lợi ích đất nước.

Trong những năm qua, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn có những bài báo đưa những thông tin sai, thông tin thiếu kiểm chứng… gây ra những tổn hại không nhỏ về kinh tế.

Vào năm 2007, hai hãng tin lớn của Anh là BBC và Daily Mail cùng đưa thông tin phụ nữ ăn bưởi chùm làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Giống bưởi này không có liên quan gì tới các giống bưởi của Việt Nam như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi… và cũng không hề được trồng ở Việt Nam.... Thế nhưng, khi một số tờ báo Việt Nam dịch và đăng thông tin “ăn bưởi nhiều làm tăng nguy cơ bị ung thư vú”, lại không ghi rõ là bưởi chùm, mà chỉ ghi là bưởi. Những bài báo ấy ngay lập tức gây họa lớn cho trái bưởi Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng quyết định ngừng ăn bưởi.

Chỉ trong vòng một tháng sau khi một số báo đưa thông tin trên, điều tra sơ bộ của Sở NN&PTNT Tiền Giang cho thấy người trồng bưởi tỉnh này đã bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng. 4 tờ báo đăng tin “ăn nhiều tăng nguy cơ bị ung thư” đã bị Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu đính chính thông tin này.  Tuy nhiên sau đó người trồng bưởi vẫn chưa hết lao đao bởi nhiều người tiêu dùng vẫn e ngại với bưởi và nhiều thương lái tiếp tục lợi dụng tâm lý e ngại đó để ép giá nông dân.

Cũng trong năm 2007, một số tờ báo cho rằng ăn trái sầu riêng có bôi Carbendazim (là thuốc trừ nấm phổ rộng, thuộc nhóm độc III) màu trắng ở đầu trái sẽ có nguy cơ bị ung thư. Thông tin này đã gây khó khăn không nhỏ cho người trồng sầu riêng vì rất khó bán được sản phẩm khi mà người tiêu dùng e ngại với loại trái cây này. Cục Bảo vệ thực vật và một cơ quan có liên quan đã nhanh chóng vào cuộc, lấy nhiều mẫu sầu riêng ở các chợ trên địa bàn TP.HCM đem đi phân tích. Kết quả cho thấy các mẫu có dư lượng Carbendazim đều ở dưới ngưỡng cho phép, tức là an toàn với người tiêu dùng.

Thông tin sai sự thật về an toàn thực phẩm: Hậu quả khôn lường

Công bố của Vinastas về kết quả khảo sát nước mắm có hàm lượng thạch tín (Arsen) vượt ngưỡng ngày 17/10 vừa qua không chính xác, gây hoang mang cho người tiêu dùng

Năm 2015, trên một số tờ báo đã có một số bài viết cho rằng nông dân đang sử dụng hóa chất độc hại để làm trái cây nhanh chính. Thông tin đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ nhiều loại trái cây trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, nhất là các loại trái cây như mít, sầu riêng… Trước tình hình đó, cuối năm 2015, Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại nông nghiệp nông thôn Việt Nam cùng Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đã phải tổ chức một buổi tọa đàm để minh oan cho chất làm trái cây nhanh chín Ethephon. Tại buổi tọa đàm này, nhiều nhà khoa học có uy tín đều khẳng định chất làm trái cây nhanh chín Ethephon không hề độc hại như một số báo đã viết.

Gần đây là việc trái xoài của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang lâm vào tình cảnh khó khăn (giá giảm mạnh, khó tiêu thụ) do thông tin trên một số cơ quan báo chí cho rằng nông dân bao trái xoài bằng loại túi chứa chất độc hại. UBND tỉnh Tiền Giang đã phản ứng mạnh mẽ thông tin này và khẳng định đó là những thông tin thất thiệt....

Những thông tin về an toàn thực phẩm vốn có sức lan tỏa rất lớn, nhất là khi nó được các cơ quan báo chí phát ra. Khi những thông tin này sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng nhiều mặt tới an ninh kinh tế, đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, lợi ích đất nước. Như thông tin về thịt lợn có chất tạo nạc vừa qua, ước tính của Bộ NN&PTNT cho thấy, người chăn nuôi cả nước đã thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng do người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn.

Thông tin sai sự thật về an toàn thực phẩm: Hậu quả khôn lường

Người tiêu dùng hoang mang lựa chọn nước mắm trong siêu thị - ảnh: TTTĐ

Thông tin sai sự thật về an toàn thực phẩm: Hậu quả khôn lường

Những thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng có thể “bóp chết” ngành sản xuất nước mắm truyền thống

Những câu chuyện trước đây và câu chuyện “thạch tín trong nước mắm” đang nóng hiện nay đều có chung một điểm, đó là phần lớn thông tin là do báo chí tự thu thập và tung lên khi chưa có kết luận, kiểm chứng của cơ quan chức năng. Một số thông tin được đưa theo cách giật gân, gây hiếu kỳ… Bên cạnh đó, phải kể đến hiện tượng mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã cảnh báo, đó là một số cơ quan báo chí, nhà báo lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp.

Luật Báo chí quy định rõ, cơ quan báo chí phải thông tin trung thực, nếu thông tin sai, gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những hành vi thông tin tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật làm tổn hại lợi ích đất nước và nhân dân phải bị xử lý nghiêm. 

Trao đổi với báo chí về vụ "nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng" được đăng trên các phương tiện truyền thông, gây lo lắng cho người dân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng đây là “một sự cố truyền thông không bình thường”. Về trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các nhà báo, Bộ trưởng cho rằng, một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy? Đó là giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin trên là lương thiện, chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp. Còn việc nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.

Phương Nam