Cảnh giác với “ma trận” dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 15:18, 29/09/2016
Dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại như “ma trận”
Không thể phủ nhận xu thế phát triển của điện thoại di động nói chung và các dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại tiện ích cho người dùng, dịch vụ giá trị gia tăng cũng mang đến không ít phiền toái và gây thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng.
Mới đây nhất, theo thông tin phản ánh trên tờ Dân trí, hàng loạt khách hàng của một nhà mạng đã bức xúc khi biết mình đang sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng từ "trên trời rơi xuống" mà không biết "ai đó" đã đăng kí dùm như gamezone; gói Bibibook, Kenh1, Hai4G… Câu trả lời của hầu hết các nhà mạng cho những thắc mắc của khách hàng thường là: “người tiêu dùng đã bấm vào một đường links dẫn đến việc đăng kí sử dụng dịch vụ”.
Nhiều dịch vụ giá trị gia tăng "từ trên trời rơi xuống" mà không cần sự cho phép của người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Trước đó, vụ việc công ty Sam Media ung dung bỏ túi hơn 230 tỉ đồng từ các thuê bao của các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile… khiến dư luận bàng hoàng. Theo phản ánh của The Saigontime, Sam Media đã hợp tác với ba công ty tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động qua các đầu số tin nhắn ngắn. Đây là các đối tác cung cấp dịch vụ nội dung của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile. Người tiêu dùng khi nhìn thấy thương hiệu của các nhà mạng xuất hiện trong mẫu quảng cáo trò chơi trúng thưởng của Sam Media, họ cho rằng đây là chương trình hợp tác đã có sự xác nhận của nhà mạng.
Theo đánh giá của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), dịch vụ dịch vụ giá trị gia tăng đã trở thành “ma trận” với người tiêu dùng. Nếu trước đây, thoại và tin nhắn là các dịch vụ chủ yếu được sử dụng thì ngày nay các dịch vụ giá trị gia tăng mới là “mảnh đất màu mỡ” mà các nhà mạng đang tập trung vào khai thác.
Một trong nhưng vấn đề người tiêu dùng thường xuyên gặp phải khi sử dụng dịch vụ viễn thông di động là việc các nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng mua SIM trả trước hay đăng ký trả sau tại các cửa hàng đại lý SIM trên toàn quốc thì có một thực tế hầu như không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM. Đó là các vấn đề như: SIM đã được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng chưa? Nếu có thì những dịch vụ nào? Đó là các dịch vụ được đăng ký để sử dụng “chính thức” hay là các dịch vụ được “dùng thử”? Hết hạn dùng thử có bị “tự động gia hạn” không? Cú pháp hủy dịch vụ là gì? Có mất phí không?...
Ngay cả khi người tiêu dùng đã thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng thì vẫn gặp nhiều nguy cơ khi các nhà mạng tự động gửi tin nhắn và tự động đăng ký, kích hoạt cho người tiêu dùng “dùng thử” các dịch vụ giá trị gia tăng. Trong trường hợp người tiêu dùng không muốn sử dụng thì cần huỷ ngay theo cú pháp (trong tin nhắn quảng cáo) vì trong trường hợp không huỷ mà hồn nhiên “dùng thử” thì một số dịch vụ sẽ được tự động gia hạn mà không cần sự cho phép của người tiêu dùng.
“Việc đăng ký sử dụng một dịch vụ giá trị gia tăng nhất định thông thường sẽ kèm theo một số dịch vụ giá trị gia tăng khác mà người tiêu dùng không biết. Ví dụ như khi đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng 3G, người tiêu dùng sẽ mặc nhiên đăng ký thêm dịch vụ Data (giữ liệu di động) và nếu trong trường hợp người tiêu không hủy dịch vụ 3G hoặc không đăng ký dịch dịch vụ 3G trọn gói thì chi phí truy cập mạng internet sẽ tăng rất cao, có thể lên đến hàng trăm hoặc hàng triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn”, Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý.
Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình?
Việc tự đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà mạng từng được nhìn nhận như một vấn nạn. Năm 2015, Cục Viễn thông ( Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã có văn bản số 1424/CVT-CPTT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông chỉ được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khi có được sự đồng ý, xác nhận của khách hàng, trừ cước đúng chu kỳ và bảo đảm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin không được tác động đến hoạt động đăng ký và trừ cước của thuê bao.
Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông cũng có trách nhiệm rà soát trên hệ thống của mình các dịch vụ giá trị gia tăng mà khách hàng đã đăng ký nhưng không phát sinh lưu lượng thực tế và có thông báo để khách hàng chủ động hủy dịch vụ trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng.
Người tiêu dùng cần thường xuyên kiểm tra và hủy các dịch vụ giá trị gia tăng không sử dụng trên điện thoại di động
Quy định đã rõ ràng nhưng dường như việc người tiêu dùng “mất tiền oan” về dịch vụ giá trị gia tăng trên điện thoại di động không giảm mà còn đang bùng phát trong thời gian gần đây. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng Việt cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch này phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.
Một số dấu hiệu nhận biết việc các dịch vụ giá trị gia tăng đang được cài đặt trên máy và đã được đăng ký sử dụng được cơ quan chức năng chỉ rõ như: Thuê bao thường xuyên nhận được tin nhắn với nội dung tương tự từ một đầu số nhất định; Tiền cước hàng tháng tăng bất thường (đối với di động trả trước) và tài khoản bị trừ một khoản tiền bất thường (thuê bao di động trả sau).
Khi thấy những dấu hiệu bất thường và nghi ngờ việc điện thoại di động của mình đã và đang bị tự động “kích hoạt” dịch vụ giá trị gia tăng, người tiêu dùng nên tiến hành các bước xử lý như liên hệ với tổng đài của các bên cung cấp dịch vụ để kiểm tra danh sách các ứng dụng dịch vụ giá trị gia tăng được đăng ký trên số thuê bao của mình; Tiến hành soạn tin nhắn để từ chối các dịch vụ theo hướng dẫn của tổng đài viên.
Ngoài ra, để tránh việc các nhà mạng tự động gửi tin nhắn quảng cáo dạng FLASH, người tiêu dùng có thể trực tiếp vào Menu SIM trên điện thoại và tắt tất cả các ứng dụng nhận tin nhắn quảng cáo dạng FLASH (V-Live, Liveinfo, Viettel Plus) nếu không có nhu cầu sử dụng.