Ngộ độc thực phẩm: Giật mình với những con số
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 11:42, 22/09/2016
Con số trên được đưa ra tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Cụ thể trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 179 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.552 người mắc, 23 trường hợp tử vong; Trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có 68 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.080 người mắc. Tính trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150-200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000-7.000 người là nạn nhân.
Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm (ATTP) từ năm 2010, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quyết liệt vào cuộc, đã phân công trách nhiệm theo ngành nhưng theo các đại biểu thực trạng ATTP vẫn chưa có chuyển biến đột phá. Nguyên nhân được nhiều đại biểu cho rằng là do chúng ta chưa có cơ chế và hệ thống kiểm soát hiệu quả, đủ mạnh.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150-200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000-7.000 người là nạn nhân. Ảnh; Thanh niên
Theo các chuyên gia, thực phẩm không an toàn vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân. Việc vi phạm quy định bảo đảm ATTP đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia…
Số liệu đưa ra tại diễn đàn cho thấy, trong 5.450 mẫu thịt phát hiện 104 mẫu có chất cấm, kháng sinh; 5.433 mẫu thịt phát hiện 834 mẫu có Salmonella; kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi ở 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm; 649 mẫu thức ăn chăn nuôi phát hiện 12 mẫu dương tính với Salbutamol... Về thủy sản, 4.963 mẫu sản phẩm thủy sản phát hiện 361 mẫu vi phạm hóa chất và kháng sinh; trong khi các vi khuẩn Ecoli và vi khuẩn hiếu khí đều vượt ngưỡng cho phép.
Trung bình mỗi năm, nước ta có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì căn bệnh này là 70.000. Nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35% trong số các bệnh nhân ung thư. Và theo GS-TS Phạm Duy Tường, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội, nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn thì xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ đáp ứng phục vụ người bệnh.
Vấn đề không đảm bảo an toàn thực phẩm, theo PGS. TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), xuất phát từ một số nguyên nhân chính là sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ; Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm ATTP của một số cơ sở, cá nhân còn hạn chế, nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định…Bên cạnh đó chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thật sự vào cuộc với công tác an toàn thực phẩm. Lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu cả ở Trung ương và địa phương; lực lượng thanh tra còn quá mỏng.
Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, để các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan chức năng cần đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống quản lý tốt. Đặc biệt chú ý đến việc tăng cường nhân lực và thiết bị kỹ thuật để kiểm soát thực phẩm trong nước, thực phẩm nhập khẩu. Đồng thời xây dựng hệ thống thanh tra an toàn thực phẩm phù hợp từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó tăng hình thức xử phạt để tạo tính răn đe cao.