Cà phê không caffeine: Khi nào người Việt mới có một ly cà phê đúng nghĩa?

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 16:05, 21/07/2016

Cà phê bẩn tràn lan cùng những thông tin không rõ ràng từ chính các nhà sản xuất khiến người tiêu dùng Việt đang chưa có được ly cà phê đúng nghĩa, dù đây là đồ uống hàng ngày của không ít người.

Việt Nam là đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng người dân lại không có được một ly cà phê đúng nghĩa, đây là điều rất đáng buồn”. Lời chia sẻ đầy day dứt của đại diện một doanh nghiệp sản xuất cà phê cũng đã phần nào phản ánh thực trạng đáng báo động về chất lượng của cà phê - thứ đồ uống mà người Việt đang sử dụng hằng ngày, hằng giờ.

Cà phê… không caffeine tràn lan khắp nơi

Thời gian qua, những vụ việc cà phê “bẩn”, cà phê trộn đậu nành, bắp, tẩm hương liệu không rõ nguồn gốc… thậm chí là không có hàm lượng caffein đặc trưng đã được các cơ quan chức năng phát hiện.

Cà phê không caffeine: Khi nào người Việt mới có một ly cà phê đúng nghĩa?

Nhiều mẫu cà phê không có caffeine đã bị phát hiện trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp" do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức hôm 20/7, ông Đinh Văn Mạnh, Phó đội trưởng Phòng 7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, tình trạng cà phê trộn hỗn hợp, đậu nành, nước nắm, hóa chất... đang ngày càng báo động. Từ 2012 đến nay, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và xử lý hơn 20 doanh nghiệp, thu hàng trăm tấn cà phê và phạt hàng tỷ đồng.

Mới đây, VINASTAS cũng đã công bố kết quả khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng.  Các mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau như cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy. Kết quả khảo sát cho thấy có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L), đặc biệt đáng báo động trong đó có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Các mẫu này đều được tìm thấy từ các điểm bán quen thuộc hàng ngày - cà phê nhỏ, vỉa hè, quán cóc và cà phê bệt.

Trước đó, hồi tháng 6/2016, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) công bố có 2 mẫu không có hàm lượng caffeine trong 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 28/100 mẫu có hàm lượng caffeine dưới 1,0% (không đạt yêu cầu).

Theo cơ quan chức năng, những hành vi vi phạm bị phát hiện là pha trộn ngũ cốc, nước mắm, bắp, đậu nành với cà phê để giảm chi phí và tăng lợi nhuận, trong đó, đa phần trên bao bì không ghi thành phần cấu thành. Nhiều nơi sản xuất sử dụng 100% đậu nành mà không có hạt cà phê nào. Có cơ sở ngoài trộn đậu nành còn sử dụng đường hóa học, rồi tạo độ đặc, sánh từ thuốc ký ninh mà đa phần các loại hóa chất và thuốc ký ninh này là những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Đa số các cơ sở sản xuất tại nơi vắng vẻ, ít người để ý, nhà xưởng manh mún, sản xuất thủ công với các dụng cụ cuốc, xẻng, công cụ rang xay thô sơ kém vệ sinh, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cao.  

Người tiêu dùng cần sự minh bạch trong sản phẩm

Một ly cà phê đen đen, đắng, sánh, bọt tỏa hương đang là thói quen của người tiêu dùng Việt. Nhưng theo các chuyên gia, chính thói quen này  khiến nhà sản xuất phải pha trộn thêm nhiều loại ngũ cốc, phụ gia khác để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng lên tiếng thừa nhận điều đó trong thông báo về thành phẩn, tỉ lệ có trong sản phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, cần phải có sự minh bạch về chất lượng sản phẩm cà phê, cà phê trộn thì nói là cà phê trộn, không được “treo đầu dê bán thịt chó”. Theo ông, cà phê rang hay đậu rang cơ bản đều giống nhau, đều là ngũ cốc rang xay. Nếu làm đậu rang trong một cơ sở sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm. Còn việc các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang rồi tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đây lại là hành vi gian lận thương mại.

Đứng ở góc độ nhà sản xuất, ông Hoàng Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Nhà máy cà phê Nestle cho rằng doanh nghiệp cần minh bạch các thành phần có trong sản phẩm để người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm đúng sở thích và biết được các thành phần có trong sản phẩm. Theo ông Bảo, người Việt phải có quyền được thưởng thức cà phê Việt nguyên chất 100%.

Theo các chuyên gia, hạt cà phê nguyên chất phải là hạt cà phê rang mộc, không cho bất cứ phụ gia nào với mùi thơm tự nhiên, dịu nhẹ. Khi xay thành bột, với cùng một khối lượng thì thể tích của bột cà phê nguyên chất bao giờ cũng lớn hơn thể tích của bột hạt đậu nành hoặc bắp rang. Tức bột cà phê nguyên chất “nở” hơn bột đậu nành, bắp rang. Bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời và màu của bột cà phê nguyên chất có màu nâu, đồng đều chứ không có mầu đen thui như bột pha bắp rang, đậu nành rang cháy. Cà phê nguyên chất và sạch có màu nâu cánh gián, khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách.

Tuy nhiên, thói quen sử dụng của người Việt khi sử dụng với cà phê nguyên chất không nhiều. Điều này được chính Giám đốc Nhà máy cà phê Nestle tiết lộ: “Chúng tôi có dòng sản phẩm 100% cà phê nguyên chất. Nhưng phải thừa nhận dòng sản phẩm đó không được đại đa số người Việt ưa thích”. Vì thế, các chuyên gia cho rằng vấn đề đặt ra hiện tại không phải là cà phê có trộn hay không, mà quan trọng là thành phần nguyên liệu trộn đó có đảm bảo chất lượng, hương liệu có sử dụng đúng mức, có nằm trong danh mục cho phép và có đảm bảo vệ sinh ATTP trong khâu chế biến. 

Làm thế nào để giải quyết tình trạng cà phê “bẩn”?

Để trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng các cơ quan chức năng thuộc 3 Bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT cần rà soát lại các quy định còn nhẹ, còn thiếu sót, để đưa ra các điều luật có đủ sức răn đe. Cần sớm hoàn thiện các nội dung quy chuẩn đối với cà phê Việt Nam. Cần phải có các chương trình nghiên cứu về tác hại của cà phê rang cháy đen, cà phê sử dụng hương liệu ngoài mức cho phép, cà phê tra trộn nguyên liệu không an toàn… gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Truyền thông đến người bán hàng và người dân hiểu được tác hại của cà phê “bẩn”.

Trần Lan