Bất lực với thực phẩm “bẩn” đến bao giờ?
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 09:27, 27/11/2015
Hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" liên tiếp bị phanh phui trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáng lo ngại hơn, vấn nạn này dường như khó bề kiểm soát…
Liên tục tử vong vì thực phẩm “bẩn”
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Thực phẩm an toàn có đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khoẻ con người, chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Không những vậy, đảm bảo ATTP còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP ở Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn, thách thức khi gần đây, hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" liên tiếp bị phanh phui thời gian qua.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù cả nước có hơn 880.000ha trồng rau để cung ứng cho người tiêu dùng, nhưng diện tích rau an toàn, rau VietGap chỉ chiếm dưới 10%. Còn theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang rất đáng lo ngại, thống kê trong 10 tháng có đến 10% mẫu rau, củ, quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép.
Chất lượng thực phẩm khó bề kiểm soát
Nhiều vụ việc về thực phẩm “bẩn” đã gióng lên hồi chuông báo động về sức khỏe người dân. Những nguồn thực phẩm không an toàn đang ngày ngày len lỏi vào từng bữa ăn, gây nguy hại đến sức khỏe người dân. Đây cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc, ngộ độc tập thể. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thống kê, trong 10 tháng qua, cả nước có 150 vụ ngộ độc thực phẩm, với số lượng người mắc trên 4.070 người, 21 người đã tử vong.
Tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn ra khắp các địa bàn trên cả nước, cụ thể: Tại Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm trên 63 mẫu rau quả, 30 mẫu thịt lợn và 30 mẫu thịt gà, cho thấy có 14/63 mẫu rau quả (hơn 22%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; hơn 3% thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine, là chất kháng sinh kích thích tăng trọng, vượt mức giới hạn cho phép và 10% mẫu thịt lợn chứa chất cấm... Trước đó, hơn 6 tấn nội tạng động vật trong quá trình phân hủy, được ướp lạnh, vận chuyển từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ bị bắt giữ tại Quảng Xương, Thanh Hóa.
Tại TP. Hồ Chí Minh, gần đây, trung bình mỗi tuần, đơn vị quản lý thị trường xử lý từ 70-150 vụ vi phạm về chất lượng thực phẩm. Đơn cử, trong tuần đầu tháng 10/2015 (từ ngày 30/9 đến 7/10), TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 68 vụ vi phạm về chất lượng thực phẩm; thu giữ 728 con chim, gà, vịt, 6 con heo, 676 kg thịt và 2.364 trứng gia cầm.
Tại xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, hơn 500 con lợn không được xuất chuồng vì bị phát hiện dư lượng chất tạo nạc sabultamol trong nước tiểu vượt quá mức cho phép.
Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang, ngày 15/10/2015, Chi cục Thú y tỉnh đã xử phạt 14 hộ nuôi heo có 54 mẫu dương tính với chất tạo nạc salbutamol…
Nếu không bị kiểm tra, bắt giữ, số thực phẩm “bẩn” này sẽ tràn vào các chợ, các cửa hàng ăn uống mà người ăn không hề hay biết. Và, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng tỷ lệ nhiễm ung thư hiện nay là do ăn phải thức ăn có chứa các chất độc hại.
Khó khăn… khó gỡ?
Rõ ràng muốn bảo đảm sức khỏe thì phải tránh được việc sử dụng thực phẩm “bẩn” hàng ngày. Tuy nhiên không đơn giản vì thực phẩm “sạch” và “bẩn” ngoài thị trường vàng thau lẫn lộn, nhất là việc đưa thực phẩm sạch vào các chợ truyền thống lại vấp phải nhiều khó khăn, bởi những nguyên nhân đến từ nhiều phía. Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, 2 sạp chuyên bán thịt lợn sạch đầu tiên theo tiêu chuẩn "thực hành chăn nuôi tốt" (VietGAHP) tại chợ Hòa Bình (quận 5) đã được khai trương. Giá bán thịt lợn chỉ ngang bằng với giá bán tại các sạp thịt khác trong chợ. Tuy nhiên, do sạp bán hàng theo chuẩn VietGAHP đắt khách, nên những tiểu thương bán thịt thông thường tại chợ gây sức ép với Ban quản lý chợ Hòa Bình yêu cầu sạp thịt sạch gỡ bỏ biển hiệu. Đồng thời, các tiểu thương bán thịt thông thường cũng tự ý treo biển "thịt sạch", khiến người tiêu dùng không biết đâu để tìm được thịt sạch đúng nghĩa.
Cũng như thịt lợn, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh không mặn mà với việc đưa rau sạch đến các chợ truyền thống. Nguyên nhân là do nguồn hàng bán chỉ vừa đủ ở các chi nhánh, cửa hàng trong thành phố, đồng thời cũng dễ dàng kiểm soát, truy xuất chất lượng sản phẩm. Một vài dẫn chứng trên cho thấy, "đường đi" của thực phẩm sạch đến với số đông người tiêu dùng vẫn còn rất gian nan.
Trước tình hình thực phẩm “bẩn”, sử dụng hóa chất độc hại tràn lan, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP tiến hành triển khai đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, từ tháng 10/2015 cho đến hết tháng 2/2016. Mục tiêu đặt ra là kiên quyết chặn dứt điểm tình trạng buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi... Trong đợt cao điểm này, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên ngành VSATTP và các tổ chức chính trị xã hội tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng; hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về VSATTP, phổ biến cho người tiêu dùng biết và ủng hộ sản phẩm có xác nhận, chứng nhận an toàn.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đề nghị tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm vệ sinh, ATTP. Theo đó, yêu cầu Chi cục ATTP ở các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố... Tập trung quản lý điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở, đặc biệt kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng nguyên liệu, sử dụng phụ gia thực phẩm, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân buông lỏng trách nhiệm trong quản lý, thanh tra, kiểm tra và triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm.
Với động thái này, người tiêu dùng hy vọng sẽ giảm thiểu được việc sử dụng thực phẩm “bẩn” để bảo đảm sức khỏe cho gia đình và cả cộng đồng.