Cảnh giác với thị trường rượu giả, rượu lậu
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 23:09, 22/09/2015
Rượu giả, rượu lậu tràn lan thị trường
Bộ Tài chính đã có quy định yêu cầu tất cả các loại rượu bán trên thị trường phải dán tem nhằm chống rượu nhái, rượu giả đang hoành hành. Điều này đồng nghĩa với việc rượu đã được xác định và đủ tiêu chuẩn cũng như được đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là dán tem rượu liệu có chống được rượu giả, rượu lậu hay không?
Tem rượu được Bộ Tài chính cấp, được quản lý rất chặt chẽ. Mỗi chai rượu sau khi dán tem đều phải khai báo với cơ quan thuế. Do thuế chiếm khoảng 60% giá thành của một chai rượu, nên với cách làm này, cơ quan thuế sẽ quản lý được số lượng bán hàng để thu đủ thuế, còn cơ quan quản lý thị trường chỉ cần vào các cửa hàng, các quầy bán rượu, thấy rượu không dán tem sẽ phát hiện ra ngay đó là rượu trốn thuế hay rượu giả.
Trên thực tế, việc dán tem trên từng chai rượu mới chỉ xiết chặt được quản lý với các công ty rượu lớn, còn rượu giả, rượu nhái thì biến tướng thành các loại khác để cạnh tranh với rượu thật do giá thành rẻ.
Đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại rượu ngâm giả, rượu ngoại nhập lậu với quy mô lớn, giá trị cao. Số rượu trên đều là hàng giả, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc và hàng kém chất lượng.
Cụ thể ngày 4/2, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện lô rượu ngoại 470 chai, qua giám định xác định 100% là tem giả.
Ông Phan Huy Vĩnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 33 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện không ít vụ rượu giả, rượu lậu. Điều đáng nói là, nguồn cung cấp các sản phẩm bia, rượu phục vụ Tết do các doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn khá dồi dào.
Sáng 11/9, khi tuần tra trên đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Đội Cảnh sát Giao thông số 1 đã phát hiện chiếc xe taxi mang biểm kiểm soát 29A-944.69 có dấu hiệu vi phạm luật giao thông, khi dừng đỗ sai quy định.
Mở rộng kiểm tra, trên xe có hơn 100 chai rượu ngoại các loại nhưng lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nên toàn bộ số hàng hóa đã được chuyển đến Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) để xử lý theo thẩm quyền.
Qua kiểm đếm, lực lượng liên ngành phát hiện trong 8 thùng giấy carton có chứa 120 chai rượu Martell và 1 chai rượu Chivas 12, do nước ngoài sản xuất. Trên nắp các chai rượu đều không dán tem nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Ước tính toàn bộ giá trị lô hàng khoảng hơn 100 triệu đồng.
Người người tiêu dùng phải thận trọng, tỉnh táo
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, những năm gần đây, tình hình sản xuất, buôn bán rượu giả, rượu lậu, rượu kém chất lượng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Không chỉ sản xuất rượu giả, các đối tượng còn sử dụng tem chống rượu giả rất giống tem thật, khó phân biệt bằng mắt thường.
Trung tá Kiều Hữu Việt - Phó đội trưởng Đội Chống hàng giả Công an TP.Hà Nội cho rằng, cần phải có các kiến nghị với các hãng rượu có thể thu mua lại vỏ chai sau khi người dùng sử dụng hoặc là có cách nào đó hủy những vỏ chai đã qua sử dụng để tránh việc làm giả.
Ngoài nơi sản xuất nhãn mác giả trong nước, hiện có hàng chục ngàn nhãn mác giả được cửa hàng chuyên bán rượu, nhập từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam để bán hàng tết.
Bên cạnh rượu ngoại, các loại rượu ngâm động vật được bày bán khá phổ biến tại các chợ, quán ăn, nhà hàng. Ngoài các loại rắn, loại rượu ngâm này còn được ngâm với rất nhiều đặc sản như: bìm bịp, nhung hươu, cá ngựa, bò cạp... kèm theo rất nhiều loại rễ cây, sâm. Giá mỗi bình rượu ngâm phụ thuộc vào loại động vật được ngâm và độ lớn, bé của loài động vật này.
Theo đó, mỗi bình rượu ngâm có giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Mặc dù giá bán không hề thấp, nhưng hầu như không ai kiểm định được chất lượng, độ thật, giả của loại rượu này. Hầu hết các loại rượu ngâm động vật, rễ cây bán tại các chợ, quán ăn, nhà hàng ven đường đều có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao.
Các loại rượu này thường được ngâm với động vật không rõ nguồn gốc, có thể là hàng giả hoặc đã chết lâu ngày. Các loại rễ cây, thuốc bắc trong rượu đôi lúc chưa chắc là hàng chất lượng.
Một số cơ sở còn sử dụng phẩm màu để tạo màu cho rượu được đẹp mắt, hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc ngâm các loại rễ cây, thuốc bắc vào rượu ngâm động vật nếu không đúng công thức, liều lượng thì rất dễ mất tác dụng, thậm chí gây mất an toàn cho người sử dụng.
Rượu ngoại có giá rất cao, mang lại nhiều lợi nhuận nên việc làm giả, buôn lậu rượu ngoại luôn được rất nhiều đối tượng quan tâm nhằm trục lợi. Do vậy, bản thân người tiêu dùng cần thận trọng, hạn chế mua, sử dụng các loại rượu ngoại, rượu ngâm, thậm chí cả rượu trắng truyền thống nếu không có đầy đủ tem nhãn, nơi sản xuất, tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa vấn đề quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại rượu trên thị trường, kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm tránh tình trạng rượu giả, rượu lậu còn hoành hành trên thị trường như hiện nay.