Thực nghiệm của Coca Cola: Gậy ông đập lưng ông?
Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 10:55, 16/09/2015
Ngày 15/8, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giữa bà Nguyễn Thị Bình Minh và Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam.
Nội dung vụ án: vào ngày 5/10/2011, bà Nguyễn Thị Bình Minh (sinh năm 1982, địa chỉ, khu tập thể trường Cao đẳng công nghiệp Hà Nội, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu “Minute Maid Splash” (trên nhãn ghi sản xuất ngày 29/6/2011 và hạn sử dụng là ngày 29/12/2011, mã 2352 C2) do chi nhánh công ty nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất.
Khi mang về sử dụng thì bà Minh phát hiện một chai “Minute Maid Splash” (vẫn chưa bật nắp) có dị vật bên trong là hai ống thủy tinh bị vỡ (vỏ ampul thủy tinh, thuốc tiêm nhọn hai đầu hở, loại 10ml (dài 8,9 cm), không có nhãn). Để bảo vệ quyền lợi, bà Minh đã thông qua một công ty luật khởi kiện công ty TNHH Coca-Cola.
Theo kết luận của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), khi so sánh mẫu do công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp với chai nước do bà Minh cung cấp thì có các thành phần hữu cơ và chỉ tiêu lý hóa tương tự nhau.
Trong phiên tòa ngày 15/9, bên khởi kiện là bà Nguyễn Thị Bình Minh và người đại diện theo ủy quyền và người đại diện trước pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Minh. Đại diện Coca Cola Việt Nam tại phiên tòa là ông Nguyễn Hoài Giang.
Thực nghiệm cho dị vật vào hai chai nước của đại diện Coca Cola tại tòa (ảnh: GĐXH)
Tại phiên tòa, đại diện của Coca-Cola đã phủ nhận chai nước bà Minh mua có dị vật là do của công ty sản xuất. Để minh chứng cho việc chai nước của hãng có thể mở nắp rồi cho dị vật vào bên trong, sau đó đóng lại vẫn không có vấn đề gì, đại diện Coca-Cola đã làm một thực nghiệm ngay tại tòa.
Ông Nguyễn Hoài Giang, đại diện của Coca Cola Việt Nam tại tòa đã thực hiện thực nghiệm bằng cách đưa 2 chai nước màu vàng (là sản phẩm của Coca Cola) có một số đặc điểm giống với chai nước vật chứng. Sau đó mở một chai, cho vào chai nước này 2 ống thủy tinh và dùng tay dập nắp chai lại, dốc ngược chai nước mà nắp chai vẫn kín như bưng.
Qua chứng minh đó, Coca Cola muốn khẳng định là chai nước của hãng dễ dàng được làm giả, dễ dàng cho dị vật vào để làm tổn hại đến uy tín của hãng, chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, chứng minh của Coca Cola cũng cho thấy, sản phẩm được thay đổi hết sức dễ dàng như trên thì việc phát hiện một chai nước giải khát của Coca Cola có dị vật cũng là bình thường. Thậm chí không chỉ là vỏ thủy tinh mà là chất kịch độc cũng có thể dễ dàng cho vào chai nước của Coca Cola.
Việc dễ dàng làm thay đổi “nội dung” của chai nước giải khát mà Coca Cola sản xuất cũng cho thấy hãng nước giải khát này không đảm bảo được sức khỏe của người sử dụng. Sản xuất chỉ là sản xuất còn việc bán cho ai, sử dụng có an toàn hay không thì hãng hoàn toàn không chịu trách nhiệm?