Ảo thuật "chế tạo" thịt bò của gian thương Trung Quốc

Bảo vệ người tiêu dùng - Ngày đăng : 08:04, 12/05/2015

Ở đất nước láng giềng Trung Quốc dù là nông dân, ngư dân, nhà chế biến thực phẩm hay một gã “đồ tể” chỉ biết chọc tiết gia súc cũng có thể biến thành kẻ giết người bằng chính sản phẩm của họ làm ra. Rất đau lòng nhưng đó là sự thật.

Phía sau thủ đoạn “rửa ruột bò”

Người Trung Quốc rất giỏi dùng mưu. Mưu tức là cách để lừa gạt người khác. Trong mọi tình huống, trong mọi giai đoạn, trong mọi ngành nghề, một bộ phận con buôn Trung Quốc không bao giờ bỏ qua cơ hội lừa gạt người khác để trục lợi.

Ở thành phố Liêu Thành, tỉnh Sơn Đông những gã “đồ tể” bụng chảy đến quá rốn, quần áo lúc nào cũng bê bết máu động vật. Họ cười rất sảng khoái mỗi một buổi sáng khi ánh bình minh ló rạng. Bởi lúc đó, công việc của họ đã hoàn thành, thậm chí là hoàn thành ngoài sự tưởng tượng của rất nhiều người. Chúng ta hãy xem công việc của họ diễn ra như thế nào?

3 giờ sáng, tại một huyện giáp với nội thành đã tấp nập xe cộ. Những chiếc xe tải nối đuôi nhau đi vào một ngôi làng có tên Hồng Quan Đồn. Đó là ngôi làng chuyên hành nghề giết mổ gia súc thuộc huyện Trì Bình. Theo thống kê của nhà chức trách tỉnh này, mỗi năm trên địa bàn thành phố Liêu Thành “xử tử” khoảng gần 800 ngàn con bò.

Nó được mệnh danh là nơi sản xuất ra thứ thịt bò đặc sản hạng nhất Trung Quốc.  Nghe thì hết sức thú vị nhưng nếu những người yếu bóng vía, có mặt tại những lò mổ ở Hồng Quan Đồn vào thời điểm 3 giờ sáng rất có thể lăn đùng ra đất bất tỉnh. Ở đó, diễn ra những cảnh tượng hết sức hãi hùng.

 Đầu giờ sáng, hàng chục con bò nuôi nhốt trong những trại cách nơi giết mổ chưa đến chục mét sẽ được dẫn đến cái sân gạch rộng. Người làm thuê trong lò mổ kéo những cái ống nước ra giữa sân. Họ kéo ngược cái dây thừng đang xỏ qua mũi con bò buộc lên một ví trí cao trên cái cọc sắt. Chân bò được cố định bất di bất dịch. Những đoạn ống được người làm thuê đưa sâu vào trong cuống họng con bò đang còn sống rồi xả nước.

-Các anh làm gì vậy?

-Chúng tôi đang rửa ruột những con bò này. Bụng nó chứa rất nhiều chất bẩn.

Anh ta nói là rửa những chất bẩn trong ruột bò nhưng theo quan sát chúng tôi lại thấy cái máy bơm đang hút nước từ một bể nước tanh tưởi tích tụ từ nước rửa thịt bò sống?.

Năm phút, mười phút rồi đến cả tiếng đồng hồ công đoạn này vẫn cứ được tiếp diễn. Những con bò bụng phình ra, tròn vo, chúng tôi tưởng tượng nó như quả bom nước sắp bị phát nổ. Những tiếng kêu la đau đớn, hai mắt bò trợn ngược, trắng toát đầy căm phẫn. Họ tháo dây thừng, con bò như một bức tượng đổ sập xuống nền gạch, nó vẫn không thôi rống lên thống thiết. Nó không thể động đậy, 4 chân chổng ngược lên trời.

Người làm thuê tiến lại gần, dùng một thanh sắt nhọn dài khoảng 20cm, họ dùng hết sức bình sinh đâm thẳng vào bụng con bò đang trút những hơi thở cuối cùng. Sự lạnh lùng của những gã “đồ tể” nơi đây khiến nhiều người trong chúng tôi lạnh sống lưng. Con bò vẫn chưa chết, nó giãy giụa, gào thét vì đau đớn.

-“Vì sao lại rửa ruột nó? Thực sự là không cần thiết”-chúng tôi thắc mắc.

-Ở đây, lò mổ nào cũng thế. Làm thế để tăng hàm lượng nước trong thịt bò. Anh sẽ thấy sau khi làm thịt, miếng thịt bò sẽ tươi lâu hơn.

-Nhưng người tiêu dùng sẽ bị thiệt?

-Tất nhiên, nhưng nó không có vấn đề gì xảy ra cả.

Ảo thuật

Những miếng thịt bò bên ngoài tươi ngon chưa chắc đã an toàn

Theo tính toán của những chủ lò mò, một con bò nặng 300kg thì phải bơm vào bụng nó ít nhất 100 lít nước. Không chỉ khi con bò còn sống, kể cả khi nó chết nước vẫn tiếp tục được bơm vào các mạch máu. Làm như thế sẽ tăng khoảng 15 phần trăm hàm lượng và cao nhất có thể đạt 20 phần trăm.

Ngoài việc moi tiền từ túi người dân bằng cách lừa đảo trắng trợn này họ còn trực tiếp đe dọa sức khỏe người sử dụng. Có hàng chục loại vi khuẩn nguy hiểm cấp độ cao trong nguồn nước thiếu vệ sinh sẽ thâm nhập trực tiếp vào thịt bò. Đó có thể là những cái chết mà không ai có thể lường trước được.

Tuy nhiên, ở các huyện lân cận Trì Bình như Cao Đường, Dương Cốc cách làm này đã trở nên phổ biến suốt năm, sáu năm nay. Những gia đình sống bằng nghề giết mổ này đang giàu lên trông thấy.

Và những miếng thịt bò “tươi ngon” như thế vẫn thường được nhập lậu vào Việt Nam.

Hô biến thịt lừa, thịt lợn thành thịt bò

Khó có thể thống kê hết được những thủ đoạn của thương lái Trung Quốc khi biến hóa trên các loại thực phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày. Không chỉ thực phẩm độc hại đang bung tỏa đi khắp thế giới, mà ở nhiều nước những thủ đoạn được người Trung Quốc “chế tạo” đang manh nha xuất hiện trong phương thức sản xuất của các nước nghèo. Trong đó có cả nước láng giềng Việt Nam.

Sự xâm lấn những thủ đoạn bất lương cho thấy rõ sự thâm độc của họ. Họ đang khiến những dân tộc khác tự tay giết chết người dân của mình. Còn thương lái Trung Quốc thì liên tục nghĩ ra những kiểu làm ăn bất lương mới.

Bất kỳ thứ thịt gì cũng có thể trở thành thịt bò, đó là cách mà chỉ có người Trung Quốc mới có thể nghĩ ra.

Ở đất nước Trung Hoa, người tiêu dùng đã thực sự thấy mệt mỏi khi ra chợ chỉ thấy hàng giả, hàng kém chất lượng. Thịt lợn biến thành thịt bò, thịt ngựa, thịt lừa cũng biến thành thịt bò. Vậy họ đã làm gì trong màn ảo thuật gian manh này?

Mới đây, một người đàn ông nông dân tên Huang thuê nhà trọ ở tỉnh Giang Tô và là đầu mối chuyên cung cấp thịt bò giá rẻ. Thịt bò của Huang bán chạy như tôm tươi. Thu nhập của người đàn ông này vì lẽ đó cũng khá lên nhanh chóng. Nhưng chuyện kinh doanh của Huang không kéo dài được lâu khi một người dân vô tình phát hiện và tố cáo với chính quyền địa phương cách làm bất chính của gã.

Ảo thuật

Công an Trung Quốc bắt vụ biến thịt lợn thành thịt bò

Vợ chồng Huang vốn làm nghề mổ lợn ở quê và đem lên thành phố buôn bán. Ở chợ, Huang quan sát thấy rằng nhu cầu mua thịt bò của người dân quá lớn, trong khi thịt lợn của gã thì ế ẩm. Ngược lại thịt bò thì đắt mà giá thịt lợn thì lại rất rẻ. Nhiều lần suy nghĩ, Huang này ra ý định táo bạo là sẽ biến thịt lợn thành thịt bò. Thực ra, thịt bò giả đã tràn lan thị trường Trung Quốc đại lục nhiều năm nay. Ngay cả ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam người Trung Quốc đã lén lút tuồn thịt ngựa, thịt lừa với mác thịt bò sang để bán mà một thời gian dài không ai phát hiện ra.

Trở lại với vụ việc của Huang, gã này đã tham khảo và nghĩ ra cách biến màu của miếng thịt lợn thành miếng thịt bò trong tích tắc. Huang đã làm thế nào?

Từ những miếng thịt lợn, Huang cho vào đó một hợp chất hóa học mục đích để tạo ra màu sắc và hương vị không khác thịt bò. Nó bao gồm muối, natri nitrit, tinh bột, ethyl phenol và một phụ gia tạo màu khác. Sau khi trộn các chất này với nhau, Huang cho thịt lợn vào ướp khoảng 2 tiếng đồng hồ và nó đã biến thành một miếng “thịt bò” đỏ au.

Sau cuối, Huang đóng gói thịt bò rồi đem đi tiêu thụ. Một đồng nghiệp của Huang tên Hoàng A đã tiết lộ với báo giới rằng, Huang và gã đều không biết một chút kiến thức nào về các chất hóa học mà chúng sử dụng để “chế tạo” thịt bò giả. Do đó liều lượng thế nào, độc hại ra sao Huang đều không quan tâm đến. Khi người dân phát hiện ra và tố cáo thì số lượng thịt bò giả mà Huang bán ra thị trường đã đạt giá trị 105 triệu nhân dân tệ.

Đáng nói trong số thịt bò giả mà Huang bán, cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện một lượng độc tố do liều lượng natri nitrit vượt ngưỡng cho phép hơn 100 lần.

Còn gần đây, báo chí Hoa Lục lại loan tin khiến người dân nước này bàng hoàng là phần lớn thịt bò Bình Dao, thứ đặc sản của tỉnh Sơn Tây mà nó cũng được bán nhan nhản ở Việt Nam là…thịt lừa.

Bằng thủ đoạn tương tự những con buôn Trung Quốc đã biến hóa những miếng thịt lừa rẻ tiền, thậm chí là thịt lừa thối thành đặc sản. Người Mỹ nói, thứ gì của người Trung Quốc mà người Mỹ ăn được thì người Trung Quốc chưa chắc đã ăn được. Chính xác là như vậy.

           

Thanh Huyền