Quảng Nam: Sự thật đau lòng sau vụ “mất tích bí ẩn"
Môi trường - Ngày đăng : 08:18, 19/02/2017
Vừa qua, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) – Công an tỉnh Quảng Nam đã tìm được tung tích của 4 người dân ở xã Bình Đào mất tích bí ẩn vào cuối tháng 7/2016.
Trước đó, ngày 8/9/2016, anh Nguyễn Văn P. (SN 1980, trú xã Bình Đào) đến Công an huyện này trình báo về việc vợ là Trần Thị V. (SN 1980), cùng 2 con Nguyễn Thị Thùy T. (SN 2005), Nguyễn Thị Thùy L. (SN 2007) và mẹ vợ là Trần Thị H. (SN 1957) mất tích không rõ nguyên nhân.
Theo lời P, cả 4 người này cùng “biến mất” trong đêm 30/7/2016. Sau khi vợ con và mẹ vợ mất tích khoảng 1 tháng thì có một số thuê bao lạ gọi vào di động của P. Người đàn ông này nghe máy nhưng không có người nói chuyện, chỉ nghe tiếng gào thét. Cuộc điện thoại khiến P lo lắng và đã đi tìm 4 người thân khắp nơi, từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh nhưng đều “bặt âm vô tín”.
Trong lúc cơ quan công an ráo riết tìm kiếm những người mất tích thì ngày 25/1/2017, P trình báo việc chị V gọi điện cho P thông báo đã bán người con gái tên L sang Campuchia. Chị V còn yêu cầu chồng gửi 15 triệu đồng vào tài khoản cho mình, nếu không chị sẽ bán tiếp người con gái còn lại.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 9/2/2017, các trinh sát truy nã đã phát hiện bà H và 2 con của chị V đang ở một ngôi nhà tại phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam.
Ảnh minh họa: internet
Qua điều tra, các trinh sát biết được, sau đêm "mất tích", bà H cùng 2 cháu vào Tam Kỳ thuê phòng trọ ở phường An Sơn, TP. Tam Kỳ. Hằng ngày, bà H để 2 cháu bé trong phòng khóa cửa lại rồi đi thu mua ve chai. Riêng chị V ra Đà Nẵng làm thuê và gửi tiền về cho mẹ nuôi con. Từ Tết Nguyên đán đến nay, 3 bà cháu chuyển đến ở tại phường An Mỹ.
Theo bà H và chị V trình bày, vì không chịu nổi đòn roi tàn nhẫn của P mà cả 4 người phải bỏ nhà ra đi. Sau khi cưới nhau, P thường xuyên chửi mắng, đánh đập vợ. Mỗi lần đánh chị V, P cấm vợ khóc, không cho vợ kêu cứu và dọa giết nếu ai báo công an. Chị V kể, nhiều lúc đang ăn, P hất cả mâm cơm xuống đất. Để che giấu sự tàn nhẫn của mình, P thường đánh vào lưng, vào bắp đùi của vợ. Có lúc, P trói vợ vào gốc cây điều ngoài khu vườn vắng vẻ rồi đánh thừa sống thiếu chết.
Bà H vừa khóc vừa kể, thấy P đánh con gái thương tích, bà lấy dầu xoa bóp thì bị P chửi mắng, lấy ghế ném loạn xạ. P thường có những lời nói thô lỗ với mẹ vợ, còn xô đổ cả bàn thờ tổ tiên. Có hôm, P đánh chị V lúc 1, 2 giờ sáng; đau quá, chị V bỏ chạy khỏi nhà. P buộc bà H phải đạp xe đi tìm V giữa đêm tối. Không biết tìm con gái ở đâu, bà H đạp xe đến UBND xã rồi ngồi co ro trong góc khuất đợi trời sáng đi tìm con.
Một trinh sát kể, khi các anh tìm được chỗ trú ngụ của 3 bà cháu, 2 cháu nhỏ không dám nhận tên thật của mình, vì sợ người cha phát hiện sẽ bắt về nhà. Theo lời các cháu, cứ mỗi lần nhậu về, P bắt con đấm bóp tay chân và hễ thấy phật lòng thì đánh con tàn nhẫn. Những trận đòn roi mà người cha trút lên người mẹ khiến 2 đứa trẻ sợ hãi và luôn bị ám ảnh cả trong giấc ngủ.
Qua tìm hiểu được biết, trước khi bỏ đi với bà ngoại, cháu T đã học xong lớp 5, cháu L đã học xong lớp 3 và cả hai chuẩn bị bước vào năm học mới. Cuộc chạy trốn đã khiến việc học của 2 cháu bé bị gián đoạn.
Sau khi PC52 tìm được tung tích mẹ con chị V, Công an Thăng Bình đã mời P và “những người mất tích” đến làm việc. Dù P trình bày mong muốn mẹ con chị V về nhà, dù cơ quan công an có động viên, bà H và chị V vẫn cương quyết không trở về ngôi nhà cũ, bởi nơi đó đã để lại cho họ quá nhiều ký ức đau buồn...