Chính phủ liêm chính, kiến tạo và sức bật trong năm 2017
Chính trị - Ngày đăng : 07:11, 01/01/2017
Năm 2016 đã qua với những dấu ấn quan trọng của đất nước. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Chúng ta thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng; khoa học công nghệ phát triển mạnh, bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư với những tiến bộ vượt bậc, sáng tạo đột phá, nhất là trong công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Cạnh tranh gay gắt về địa chính trị tại các khu vực trên thế giới; xung đột, khủng bố gia tăng tại một số nơi; tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm; hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp khó khăn; dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, sử dụng nguồn nước... ngày càng trầm trọng, khó dự báo.
Ở trong nước, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định. Uy tín, vị thế quốc tế của nước ta không ngừng được nâng lên. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Trong tình hình đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi NSNN.
Trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu. Chính phủ luôn đề cao phương châm “lời nói đi đôi với hành động”, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm; đã tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp, ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 60 về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; có chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển cho nhiều địa phương.
Với những nỗ lực đó, tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả bước đầu. Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào các trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có những kết quả tích cực như hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho gần 84.000 gia đình người có công theo Nghị quyết của Quốc hội. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, học sinh, sinh viên và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác được tiếp tục quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2016 giảm còn khoảng 8,5%. Đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu người. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5,5%. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,8 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 10,8 triệu. Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo như ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách hỗ trợ học sinh, kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 84,1%, đã có 53/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn.
Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá được đẩy mạnh. Nhiều di tích, giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát huy. Năm 2016, Việt Nam đạt thành tích cao trong hoạt động thể thao quốc tế; lần đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic thế giới; tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ V tại Việt Nam và đạt kết quả đứng thứ nhất toàn đoàn; Xây dựng trình Quốc hội Luật Trẻ em, Luật Tôn giáo, tín ngưỡng...
Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được chú trọng. Chính phủ đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất, đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nghiêm túc triển khai các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ban hành Chỉ thị tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia, biển đảo được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Đánh giá chung, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tình hình thế giới năm 2017 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới có thể tăng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt. Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Nhu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp…
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quyết liệt hành động của một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, đất nước ta sẽ có động lực, sức bật để vượt qua khó khăn thách thức, đạt những thành tựu to lớn hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của năm mới 2017.