Phụ nữ có chồng đi ở rể chắc gì đã sướng?

Môi trường - Ngày đăng : 06:41, 03/12/2016

Mọi người thường nghĩ, người phụ nữ có chồng đi ở rể thì sẽ rất sung sướng, vừa không phải làm dâu mà vừa lại được gần mẹ đẻ. Thế nhưng sự thật chưa hẳn là đã như vậy...

Vì một lý do nào đó người đàn ông mới chấp nhận đi ở rể. Vì dù gia đình vợ có tốt đến mấy cái tiếng đi ở rể vẫn còn rất nặng nề với cánh mày râu. Còn đối với phụ nữ, nhiều người lại cho rằng, khi chàng chấp nhận về ở rể sẽ vô cùng thuận lợi cho mình, vừa không phải làm dâu những bà mẹ chồng khó tính mà còn được mẹ đẻ giúp cho rất nhiều việc.

Phụ nữ có chồng đi ở rể chắc gì đã sướng?

Trên thực tế, đúng là khi người phụ nữ được ở nhà mình sau khi lấy chồng sẽ có khá nhiều điều thuận lợi. Con cái được ông bà trông nom và không cần giữ tế nhị. Nếu đi làm về muộn chưa kịp nấu cơm bố mẹ ở nhà cũng đã có thể làm từ trước. Mọi thứ dường như quá tuyệt vời  nhưng đằng sau đó là cả một chuỗi những điều họ không thể nói ra cùng ai.

Chuyện đàn ông dễ buồn bực và thấy "khó ở" khi chung sống với bố mẹ vợ không có gì khó hiểu. Để cảm nhận được điều này, người vợ nên thử đặt mình vào vị trí của chồng. Cũng như khi chị em đi làm dâu, liệu có cảm thấy thoải mái, dễ chịu với môi trường sống mới và những thành viên khác của gia đình chồng?

Hơn nữa, tâm lý của người ở rể chịu thêm gánh nặng của dư luận xã hội. Tập quán của người Việt Nam là đàn ông lấy vợ, phụ nữ đi làm dâu. Đàn ông được coi là chủ gia đình. Vì thế, khi phải ở rể, tâm lý người đàn ông bị xáo trộn, họ có thể sống không đúng với tính cách, mong muốn của mình khi ở nhà bố mẹ vợ, luôn căng thẳng, cảm thấy khó hòa nhập, sợ mọi người phán xét. 

Khi về ở rể là bản thân người chồng đã luôn mang một mặc cảm nhất định. Dù có thoải mái đến đâu họ cũng không bao giờ cho đây bằng căn nhà của chính mình. Họ cảm thấy mất đi quyền ăn, quyền nói và quyền quyết định. Họ có thể tự ái từ những chuyện rất vặt vãnh bởi tâm trí họ cứ như quả bóng đầy nước và chỉ chờ một tác động nhỏ là cũng có thể vỡ tung.

Chính vì vậy, người phụ nữ lại càng phải khéo léo hơn, chịu khó hơn khi chồng về ở rể. Đừng vì ở nhà mình mà chị em sẵn sàng lên mặt dạy đời các ông chồng. Thế giới rộng lớn lắm, chẳng lẽ lại không có một chốn dung thân cho người đàn ông. Nên đừng để hối hận vì những sai lầm của mình.

Người phụ nữ buộc phải hiểu và tâm sự cùng chồng nhiều hơn. Vì trong hoàn cảnh này, sức ép về mặt tâm lý luôn khiến các chàng mệt mỏi. Chính vì thế, người vợ lúc này cần phải chia sẻ và tạo niềm vui trong gia đình.

Phụ nữ có chồng đi ở rể chắc gì đã sướng?

Khó xử khi ở giữa bố mẹ và chồng. Dù nói gì thì nói, khi chồng về ở rể bạn cũng sẽ có phần nào đó ngại với chính bố mẹ của mình. "Lớn rồi đi lấy chồng rồi mà vẫn phải để bố mẹ lo cho...", những suy nghĩ kiểu như thế sẽ làm bạn ít có tiếng nói hơn trong gia đình. Và khi có một sự việc gì xảy ra, gần như bạn sẽ phải nghe theo sự sắp xếp của ông bà và bắt buộc chồng phải cùng làm theo.

Trong tình huống này, người khổ nhiều nhất chính là bạn. Một bên là chồng và một bên là bố mẹ. Nhiều khi suy nghĩ của hai thế hệ khác nhau lại càng làm cho vấn đề nghiêm trọng. Bạn lúc này lại phải suy nghĩ làm thế nào để vẹn cả đôi bên.

Khi vợ chồng về chung sống với nhà ngoại, mối quan hệ của họ có thể bị tác động bởi một số "tác nhân phụ" như cha mẹ hay anh chị em vợ. Thường cha mẹ luôn muốn nhìn con gái hạnh phúc như họ mong muốn nhưng thực tế có thể chưa đạt được. Và khi đó, thay vì để các con tự xây đắp gia đình, tự điều chỉnh bản thân, họ lại can thiệp vào cuộc sống của gia đình trẻ và đôi khi gây ảnh hưởng tiêu cực.

TN