Áp lực “mẹ chồng”

Môi trường - Ngày đăng : 14:40, 08/11/2016

Câu chuyện tưởng chừng như “hài hước” này lại đang diễn ra phổ biến ở các gia đình hiện đại, khi mà mẹ chồng lại chính là người phải chịu nhiều áp lực chứ không phải các nàng dâu.

Câu chuyện của bác Hoa (Thanh Liêm, Hà Nam) kể ra dưới đây khiến người nghe cũng “dở khóc, dở cười”. Chả là bác Hoa vốn dĩ ở quê, từ khi lên Hà Nội ở với gia đình cậu út, bác luôn sống trong tình cảnh “sợ sệt” áp lực. Con dâu bác làm ở một Ngân hàng, vốn tính tình cũng hiền lành, hiểu biết nhưng cô mắc bệnh “gúc gồ”.

Từ khi có đứa con đầu lòng, việc chăm sóc con cái theo kinh nghiệm ngày xưa được cô con dâu gạt phắt đi, cho là cổ hủ, lạc hậu. Gi gỉ gì gi, chuyện gì cô cũng tra mạng. Từ việc 3 ngày con không đi ngoài đến việc cháu bị mẩn đỏ ở người hay quấy khóc đêm…

Áp lực tăng lên khi hết thời gian ở cữ, cô con dâu bắt đầu đi làm lại. Bác Hoa chia sẻ: "Mọi chuyện bắt đầu từ khi con dâu tôi sinh con đầu lòng. Tôi là mẹ chồng, lại đã về hưu nên đương nhiên tôi phải bế cháu giúp nó. Nhưng hễ tôi động làm gì, nói gì liên quan đến cháu là nó lại 'chỉnh đốn' bằng cách 'Mẹ đợi con tra gờ gờ (google). Tôi bế ẵm, tôi cho ăn, tôi cười đùa, tôi tắm táp, mua đồ ăn thức uống..., không cái gì nó để tôi tự ý làm...".

Áp lực “mẹ chồng”

Trong xã hội hiện đại, nhiều khi người chịu áp lực lại chính là mẹ chồng chứ không phải là các nàng dâu. Ảnh: Minh họa

Theo lời bác Hoa, con dâu bác rất cẩn thận, thậm chí kĩ tính nên trong việc chăm sóc con cái càng kĩ lưỡng hơn. "Nó lo cho con nên mới cẩn thận vậy. Nhưng cái gì cũng tin vào mạng, cũng tra mạng như thế liệu có cần thiết và chuẩn xác không? Hơn nữa, từ việc nhỏ nhất nó cũng không tin tưởng tôi, cũng bảo đợi tra mạng, thế khác nào nó coi thường tôi. Thú thực, thà không sống chung còn đỡ áp lực, chứ sống cùng con dâu tôi mệt mỏi lắm. Nó hành xử như thế, thành ra không lúc nào tôi thấy thoải mái và thanh thản cả. Làm gì cũng chỉ sợ mình làm sai, không đúng ý nó, nó lại trách cứ đến mệt...".

Trường hợp của bác Thịnh (Xa La, Hà Đông) lại khác, chả là gia đình bác có mỗi mụn con trai, từ khi có vợ, cứ mỗi dịp cuối tuần nhà bác lại như một cái “xưởng ăn” vì cô con dâu thích nấu nướng chiêu đãi bạn bè. Tuần nào cũng vậy, cô nấu hết món này đến món kia, ăn uống linh đình, hát hò ầm ĩ. Có hôm khách đến 10h đêm còn chưa về khiến bác vô cùng bức bối.

“Tôi già rồi nên thấy đau đầu vô cùng. Vừa mới cưới, chẳng lẽ lại nói nó không được dẫn bạn về nhà thì thành ra tôi khó tính, khắt khe và khó gần quá… chưa kể nhà tôi là nhà tập thể không rộng rãi gì nên dù có phòng riêng nhưng những lần con dâu kéo bạn bè đến như thế tôi thấy ồn ào, khó chịu lắm. Mà nếu mình cứ ru rú trong phòng lại mang tiếng mẹ chồng 'sắt đá', cũng phải ra ngoài hỏi han, chuyện trò với chúng nó cho phải phép. Hôm thì chúng nó ăn uống, tám chuyện qua trưa, hôm thì rôm rả đến cả chiều tối mới tan tiệc. Con trai tôi lại ham vui, nó thích tụ tập như thế thành ra tôi muốn mở lời với con dâu mà khó quá".

Có thể thấy, trong xã hội hiện đại ngày nay, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng đã có nhiều sự chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn có những tình huống "trớ trêu" như vậy. Thực tế, một số phụ huynh khi sống chung với con dâu đều bị “chỉnh đốn” về cách hành xử, nào là “mẹ nhà quê không biết gì”, cái này phải thế này, cái kia phải thế kia…nồi cơm điện, lò vi sóng mẹ phải sử dụng thế này, thế kia…vô hình dung đã biến mẹ chồng thành người phải chịu nhiều “áp lực” khi sống chung cùng con dâu.

Hải Vân