Tấm lòng người cha và nghị lực của cô con gái tứ chi bại liệt

Môi trường - Ngày đăng : 06:50, 29/10/2016

Hàng ngày, cảnh người cha tóc muối tiêu Trần Phương (47 tuổi, trú tại phường Vĩ Dạ,Tp.Huế) cõng con gái tật nguyền Trần Thị Diệu Thanh (SN 1989) đến lớp học đã trở thành hình ảnh quen thuộc nơi xóm nhỏ.

Đến Cồn Hến hỏi người dân trong xóm nhỏ, ít ai không biết cô bé tật nguyền có khuôn mặt khá xinh xắn, đi học hay đi đâu cũng được cha cõng trên lưng, hình ảnh này khiến ai cũng xúc động và cảm phục tấm lòng người cha và niềm khát khao của đứa con gái bé bỏng. Năm nay cũng bước sang năm thứ 13, bất kể mưa hay nắng, người cha ấy vẫn kiên trì cùng con tới lớp.  

 Cha làm đôi chân của con

Đến tận bây giờ, vợ chồng ông Phương vẫn không thể lý giải nổi tại sao đứa con gái đầu lòng của mình lại mang số phận không may mắn như thế.

“Hai vợ chồng tồi đều khỏe mạnh, sinh cháu được gần 4kg, rất mập mạp. Chỉ đến khi bước vào tuổi tập đi, chúng tôi mới nhận ra rằng đôi chân cháu không bình thường, vì cháu không thể đứng lên như bao đứa trẻ cùng lứa. Theo dõi một thời gian sau thì thấy cả đôi tay cháu cũng không hoạt động cầm nắm gì được. Lúc này vợ chồng mới tá hỏa đưa đi khám thì bác sĩ nói cháu bị liệt tứ chi bẩm sinh, vợ chồng tôi bủn rủn chân tay, ôm con về mà chỉ biết khóc”, ông Phương  kể lại.

Tấm lòng người cha và nghị lực của cô con gái tứ chi bại liệt

Hình ảnh cha cõng con đi học (Do nhân vật cung cấp).

Cuộc sống tuy vất vả nhưng vì con nên nghe tin ở đâu có thầy thuốc giỏi, phương thuốc hay là cả hai vợ chồng ông Phương lại bồng bế con, lặn lội tìm đường đến khám.

Nhớ lại những năm tháng ấy bà Diệu Thúy (mẹ Thanh) lại thở dài, bởi vợ chồng bà đã đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc nhưng cũng đành lặng lẽ ra về trong bất lực. Rồi một tia hi vọng đến, đó là một tổ chức nước ngoài đến Huế khám sàng lọc, phẫu thuật từ thiện cho những hoàn cảnh tật nguyền khó khăn. Hy vọng mong manh ấy được nhen nhóm khi Diệu Thanh được tổ chức nước ngoài đồng ý mổ, sắp xếp gân chân.

Tưởng như ánh sáng đã đến với Thanh sau ca phẫu thuật ấy, nhưng đôi chân của Thanh vẫn không thể đi được, các bác sĩ lắc đầu: "Cháu bị liệt tứ chi bẩm sinh, suốt đời chịu cảnh tàn tật".

Vợ chồng ông Phương cắn môi, nuốt ngược nước mắt vào lòng đưa con về. Điều an ủi lớn nhất đối với họ là đứa con gái bé bỏng dù không thể đi lại được, mọi sinh hoạt hầu như trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, nhưng bù lại em được ông trời ban tặng cho sự thông minh, giọng nói nhỏ nhẹ, đôi mắt sáng long lanh lạ thường.

Lên 6 tuổi, tuy không đi lại được, nhưng em đã tập ngồi được, nhiều lần thấy bạn bè trong xóm nhỏ tung tăng cắp sách đến trường, em nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học. “Bao nhiêu năm con đến trường là từng ấy thời gian tôi quanh quẩn việc nhà đợi đến giờ đón con. Mẹ nó gánh vác việc chạy chợ kiếm tiền, nhiều khi thấy bà ấy đi sớm về hôm mà thương lắm. Vợ chồng động viên nhau cố gắng vì con cái”, ông Phương cho biết.

Vượt lên số phận

Ông bà ta thường nói, ông Trời không lấy hết đi của ai thứ gì! Một cô gái tật nguyền nhỏ bé, yếu ớt nhưng có một nghị lực phi thường. Từ khi 6 tuổi, em đã tự ý thức được việc học và lựa chọn con đường đi của mình. “Đã hơn 12 năm nay, em đến trường trên đôi chân của ba, nhìn ba mỗi ngày già yếu và bệnh hen suyễn ngày càng nặng thêm. Em thương ba lắm, và tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa”, Thanh nghẹn ngào.

Không phụ công cha mẹ, sau khi tốt nghiệp THPT, Thanh đã thi đỗ vào trường Cao Đẳng Công Nghiệp –Huế, ngành công nghệ thông tin.  Tuy thời gian nhập học mới vài tháng qua, nhưng khi nhắc đến cô sinh viên đặc biệt này, hầu như mọi người dân nơi Cồn Hến đều biết đến hình ảnh người cha gầy ốm Trần Phương ngày ngày đèo con trên chiếc xe máy đến trường, rồi cõng em vào lớp học.

Do đặc thù của ngành Tin học, sinh viên học lý thuyết và thực hành ở các phòng khác nhau. Có khi phải lên đến tận tầng 5 của giảng đường. Rồi khi tan lớp ông lại lên tận nơi cõng con xuống. Ngày cõng con nhập học, lòng ông Phương ngổn ngang, phần mừng vì con thi đậu, phần khác nghĩ đến chặng đường ba năm dài đằng đẵng không biết sức khỏe ông diễn biến ra sao. Nhưng không thể để ước mơ của con bị dang dở, đều đặn đầu giờ ông chở con đến trường, cõng con lên lớp, cuối buổi lại đón con về.

Giờ lên lớp, khi Thanh yên vị trên bộ bàn ghế nhỏ “ưu tiên”, ông mới yên tâm đi về. Nhiều hôm thời tiết thất thường, bệnh hen suyễn lại tái phát với những cơn ho hen, khó thở không đưa con đi học được, thì Thanh cũng phải nghỉ học. 

Thương ba, cô bé không dám ăn nhiều vì sợ mình tăng cân, thêm khó nhọc cho tấm lưng hao gầy. “Hai cha con có ăn nhiều nhặn chi mô, con bé bé tẹo, còn tui đau ốm nên nuốt cơm rất khó. Nhưng vì con, phải ráng ăn để còn có sức chăm cho cháu khỏe mạnh, kẻo gián đoạn việc học hành”, người cha tâm sự.

Bước sang tuổi 47, nhưng trông ông Phương như già hơn chục tuổi, bản thân ông vốn bị bệnh hen suyễn, đau ốm liên miên mỗi khi trái gió trở trời, không làm được nhiều việc nặng phụ vợ,  cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện thu nhập của gia đình, ông lại xót xa.

Tuy nhiên, nghị lực sống, sự lạc quan ở cả 2 vợ chồng ông đã truyền sang cho cô con gái tật nguyền. Điều đó thể hiện ở nụ cười hiền từ  nhưng vẫn rạng rỡ,  ánh lên ở đôi mắt đã xuất hiện những nếp nhăn.

Ông Phương nói: "Số phận mình như ri rồi thì mình phải cố gắng thôi. Con bé nó thiệt thòi như vậy, mình làm cha làm mẹ, cố gắng giúp con hoàn thành ước mơ của nó".

Hành trình phía trước vẫn còn nhiều lắm những gian truân, nhưng tình yêu, sự hi sinh của cha mẹ đã trở thành động lực giúp Diệu Thanh vươn lên, nỗ lực trong học tập để sau này thành tài, có thể tự chăm sóc bản thân và báo đáp công lao trời bể của cha mẹ.

Bích Thùy