Cuộc đời cơ cực của người phụ nữ sinh con nhiều nhất Hà Nội
Môi trường - Ngày đăng : 13:14, 27/08/2016
Mưu sinh bằng nghề mò cua, bắt ốc
Việc sinh đẻ nhiều từ lâu đã không phải là chuyện hiếm gặp ở nước ta. Mỗi khi nhắc đến những gia đình sinh nhiều con, người ta chắc hẳn sẽ nghĩ đến đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực miền núi. Đơn cử như gia đình anh Đỗ Ngọc Nam và chị Huỳnh Thị Lạc (người dân tộc Xê Đăng) ở xã Trà Đông (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) sinh 15 người con. Hay gia đình ông Trương Văn Ve (người dân tộc Mông ở xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) có đến 21 người con.
Nhưng ít ai biết rằng, ngay Thủ đô Hà Nội, tại thôn Cổ Bàn, phường Đồng Mai (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) có gia đình chị Đặng Thị Hải với 14 người con. Trong số những người con của chị, 3 người con gái đã lập gia đình, 2 người con trai lấy vợ. Chưa đến tuổi ngũ tuần nhưng chị Hải đã có tới 8 đứa cháu nội, ngoại.
Năm 2013, khi đứa con gái út chào đời, chị Hải được người trong thôn đặt cho cái biệt danh “Hải đứt dây” hay “người đàn bà đẻ con nhiều nhất Hà Nội”.
Chị Đặng Thị Hải
Căn nhà của gia đình chị Hải nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ, tách biệt hẳn với chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, bốn bề nhà cửa san sát. Căn nhà có diện tích vỏn vẹn 40m2 nhưng bao năm nay là nơi sinh sống của chị cùng 14 đứa con lớn nhỏ. Trong căn nhà ấy, thứ đáng giá nhất có lẽ là chiếc kệ thờ chị Hải chắt chiu mãi mới mua được để thờ cúng người chồng bao năm đầu ấp, tay gối đã qua đời.
Gặp chị Hải ngoài túp lều lụp xụp nơi gia đình chị dùng để chăn nuôi gà vịt. Ấn tượng đầu tiên về chị là thân hình gầy gò, ốm yếu, gương mặt khắc khổ hằn lên những lo toan. Có lẽ, gánh nặng mưu sinh và 14 lần sinh nở, khiến cho người phụ nữ chưa đến 50 tuổi trông già đi thêm cả chục tuổi. Chị Hải ngồi xuống một phiến đá, tựa lưng vào vách lều, đôi mắt đăm chiêu như nhìn thấu những năm tháng đã qua trong cuộc đời mình.
Những đứa con của chị Hải đứa bé nhất mới chỉ có 6 tuổi.
Chị nở nụ cười héo hắt rồi cất giọng trầm buồn: “Chị về đây làm dâu cũng ngót 30 năm rồi. Nhà chị có bốn anh chị em, chị là con cả. Hồi lấy chồng, chị mới có 17 tuổi, cũng chẳng có ai mai mối gì. Thời trước, cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó nên chị cũng chẳng biết yêu đương là gì. Chỉ thấy mẹ chị bảo nhắm cho một anh mà mẹ chị quen trước đó. Chiều hôm trước khi về nhà chồng, chị vẫn còn phải gánh mạ ra đồng cấy đến tối mịt mới được về”.
Ngày đầu tiên về nhà chồng, mẹ chồng gọi chị lại, đưa cho một cái ống quần đã cắt rời và buộc túm một đầu lại (vật dụng một đầu có chun thắt lại, một đầu được buộc túm hoặc khâu lại để đựng cá, tôm…) và bảo: “Nhà mình nghèo, quanh năm chỉ sống bằng nghề mò cua, bắt ốc, con về làm dâu nhà ta, mẹ trao cho con vật này để con luôn nhớ và giữ lấy cái nghề đã nuôi sống cả gia đình”.
Vậy là cứ thế, suốt 30 năm qua, cái nghề mò cua, bắt ốc mưu sinh đã gắn bó với cuộc đời của chị Hải. Bất kể ngày mưa gió hay nóng nực, khi mặt trời con chưa lên chị Hải lại dậy ra đầm kéo vó kiếm con tôm, con cá mang ra chợ bán. Cuộc sống gia đình khó khăn, con cái lại đông nên nếu về sớm, chị Hải lại ra đồng cắt cỏ thuê hay đi kéo xe bò để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
“Hôm nào được nhiều thì cũng bán được trăm nghìn. Cuộc sống cả gia đình trông chờ vào cái đầm rộng phía ngoài bãi. Thấy đâu người ta bảo nhà nước sắp thu hồi, san lấp để xây dựng khu công nghiệp. Vì nhà nghèo quá nên mấy đứa con chị đi học về là lại theo mẹ ra đầm bắt ốc, bắt trai về bán”, chị Hải tâm sự.
14 lần chồng tự tay đỡ đẻ cho vợ
Mặc dù nhiều lần bị chính quyền phê bình vì việc sinh nở nhiều, hàng xóm cũng dị nghị nhưng với chị Hải, 14 đứa con là niềm vui hiếm hoi nhất trong suốt cuộc đời cơ cực của chị. “Về nhà chồng được vài tháng, chồng chị là anh Ngô Doãn Năm có xích mích với anh em trong họ, nên chị cùng chồng lại dắt díu nhau rời quê, đi tha phương cầu thực nơi đầu đường xó chợ. 30 năm lấy chồng thì có đến hơn 10 năm hai vợ chồng chị phải sống trong một túp lều dựng tạm bằng bìa giấy, nilong và lá mía dưới triền đê. Đứa đầu tiên ra đời cũng trong căn lều rách nát ấy”, chị Hải nhớ lại.
14 người con lần lượt là Hà (SN 1989), Tới (SN 1990), Hồng (SN 1992), Tiền (SN 1994), Nguyệt (SN 1995), Nhất (SN 1997), Hoàng (SN 1999), Tám (SN 2001), Phúc (SN 2003), Đức (SN 2005), Sáng (SN 2007), Tươi (SN 2009), Nhân (SN 2011), Thảo (SN 2013). Trong 14 lần chị Hải sinh nở, chồng chị đều tự mình đỡ đẻ rồi cắt dây rốn cho các con.
Chị Hải cười: “Nhà nghèo, làm gì có tiền mà đến bệnh xá. Với lại 14 đứa chị đều sinh trong lúc đi làm, đứa thì sinh ngoài ruộng, đứa thì lúc đi cắt cỏ, đứa đang mò ốc thì đau đẻ, sinh ngay trên bờ ao. Sinh con chưa được quá tuần thì lại phải đi làm. Chứ cứ ở nhà không có gì ăn”.
Nhắc đến đàn con, chị Hải lại nhớ đến đứa con gái út Ngô Thị Út Thảo mới mất năm 2015 vì giãn não thất, úng thuỷ não. Chị Hải ngửa mặt lên trời như ngăn cho những dòng nước mắt không rơi xuống rồi nghẹn ngào: “Con bé đáng thương lắm, đẻ rơi ngoài bờ bãi được mấy ngày. Sinh con được ba ngày thì chị đặt nó trong túp lều rồi đi bắt tép bán, chứ có chăm được gì nó đâu. Con cái nheo nhóc, nghỉ làm một ngày là không có tiền đổi gạo, những đứa khác lại không có gì mà ăn. Nghĩ tội nghiệp nhưng không biết làm thế nào được. Chắc nó thấy chị khổ, không muốn làm con chị nên mới ra đi sớm như vậy”.
Hỏi chị Hải sao không làm kế hoạch hoá gia đình, chị bảo: “Tối ngày cắm mặt đi làm thuê, không có thời gian để mà nhớ ra. Hơn nữa chồng chị cấm. Khi sinh đến đứa thứ sáu, nghe nhiều người vận động nên chị cũng đến cơ sở y tế nhưng chồng chị biết được làm ầm lên. Từ dạo đó chị không dám có suy nghĩ làm trái ý chồng nữa. Rồi thì cũng không biết mình có mang khi nào nữa, một thời gian sau thấy bụng to mới biết mình có mang. Trước đây, khi chồng chị chưa mất, việc trông nom các con đều do hai vợ chồng thay nhau. Nhưng từ khi chồng chị mất vì bạo bệnh, việc gia đình lại dồn hết cả lên vai chị. Chị khổ cả đời rồi, chả dám kêu than ai nhưng các con chị còn nhỏ quá, không biết rồi sau này cuộc đời chúng sẽ ra sao nữa”.
Trong số các con lớn, đã có năm người được dựng vợ gả chồng, đến nay đã sinh cho chị Hải được tám cháu nội, ngoại. Người con trai lớn bị bệnh phổi, việc nặng không làm được. Đến tuổi anh sớm lập gia đình rồi sinh con, nhưng cả hai vợ chồng người thì bận nuôi con nhỏ, người thì sức khoẻ yếu nên không làm thêm được việc gì. Thương con, thương cháu, chị Hải lại đón về nuôi thêm cả con dâu và cháu nội.
Cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn tuy nhiên niềm an ủi lớn nhất với chị Hải là các con chị đều được học hành đầy đủ.“Gia đình là hộ nghèo nên về học hành của các cháu đều được Nhà nước miễn giảm. Đến nay, vẫn có sáu cháu đang đi học, một cháu học lớp 9, một cháu lớp 6, một cháu lớp 5 và hai cháu lớp 3. Tiếc nhất là trường hợp của cháu Tới, đã học đến lớp 10, học giỏi nhưng mẹ khuyên thế nào cũng không nghe, nhất quyết bỏ giữa chừng để ở nhà phụ mẹ nuôi các em”.
Vẫn còn đó những khó khăn Hướng đôi mắt về phía đầm - nơi đem lại nguồn sống cho mười mấy đứa con, ánh mắt chị Hải đượm buồn: “Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, sắp tới thì đất đồng vào dự án, Nhà nước lấy tôi cũng không biết đi làm gì. Sau này mà Nhà nước lấy đất thì tôi sẽ đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy, miễn sao kiếm được chút tiền nuôi các con...”. |