Hạnh phúc ngọt ngào từ một...nỗi buồn
Môi trường - Ngày đăng : 05:50, 02/06/2016
Vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, chồng mất sau cơn bạo bệnh, một mình cụ Phạm Thị Mười (SN 1931, thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) phải gồng gánh nuôi 5 đứa con nhỏ. Trong đó, đứa con thứ 3 của cụ Mười là Lê Thị Có (SN 1956) bị bại liệt. Những năm tháng ấy, vùng đất Điện Bàn liên tục hứng chịu nhiều bom bạn của giặc Mỹ.
Một mình nuôi 5 đứa con đã khó, nay lại thêm 1 đứa bị bại liệt khiến cụ Mười gần như kiệt sức. Không chỉ thiếu thốn cái ăn cái mặc, chuyện chạy giặc cũng muôn phần khó khăn hơn. Cứ mỗi lần có địch đi càn thì cụ lại dắt díu đàn con tìm nơi ẩn náu. Đứa lớn thì có thể dắt theo, còn những đứa nhỏ và cả đứa bị bại liệt, cụ phải đặt chúng vào đôi quang gánh để gánh chạy.
Thấy cụ Mười một nách 5 đứa con thơ chống chọi với mưa bom bão đạn, một người em chồng khuyên cụ nên gửi nhờ cô nhi viện nuôi hộ. Dù thương con, nhưng cụ Mười đành dứt ruột gửi Có cho cô nhi viện thuộc nhà thờ Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách nhà gần 40 cây số).
Sở dĩ cụ Mười gửi Có chứ không gửi đứa con khác là bởi việc chăm sóc một trẻ tàn tật vô cùng vất vả, cụ còn phải làm lụng nuôi cả gia đình nên không đủ điều kiện chăm sóc Có. Hơn nữa, mỗi lần chạy giặc, Có không đi đứng được nên rất trở ngại, dễ gây nguy hiểm cho cả nhà. Ngoài ra, ở cô nhi viện, Có được trị liệu vật lý và tập vận động, hy vọng sẽ có cơ hội phục hồi.
Cụ Mười, chị Tuyết từng mong mỏi họ là mẹ con của nhau
Mặc dù Có được cô nhi viện chăm sóc rất chu đáo, được ăn uống đầy đủ nhưng vì thương nhớ con, cứ vài ba ngày cụ Mười lại tranh thủ sang thăm.
Khoảng 2 năm sau đó, chiến sự vùng Điện Phước ngày càng ác liệt, cụ Mười cũng như những người dân nơi đây phải bỏ nhà cửa đi di tản ra tận TP. Đà Nẵng. Dù nơi này cũng chỉ cách cô nhi viện chừng 70 cây số nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, cụ Mười không thể tiếp tục đến thăm con.
Năm 1975, đất nước thống nhất, cụ Mười đưa đàn con quay về quê nhà. Tuy nhiên, khi đến cô nhi viện thì cụ được biết, toàn bộ số trẻ trong nhà thờ đã được đưa đi đâu không ai rõ.
Kể từ đó, cụ Mười đêm ngày nhớ mong con gái và dò la tin tức để tìm lại. Hễ nghe ở đâu có trẻ mồ côi xuất thân từ nhà thờ thì cụ Mười lại tìm đến. Cụ đã nhiều lần quay lại Trà Kiệu, đi các huyện của tỉnh Quảng Nam hoặc ra tận Huế để tìm Có nhưng đều vô vọng. Gia đình cũng đã đăng thông tin tìm con gái trên các trang báo nhưng cũng chưa xuất hiện manh mối nào.
Từ đất nước Canada xa xôi, có một người phụ nữ cũng đau đáu muốn tìm lại mẹ. Chị là Phạm Thị Tuyết, 50 tuổi. Hơn 40 năm qua, mặc dù được gia đình mẹ nuôi đối xử rất tốt nhưng trong chị Tuyết vẫn luôn thôi thúc muốn tìm lại mẹ đẻ của mình.
Vào ngày 4/4/1975, trong chiến dịch không vận trẻ em của chính quyền Mỹ trước khi rút khỏi miền Nam Việt Nam, một máy bay quân sự đã đưa chị từ Sài Gòn sang Canada. Chị được một gia đình người Canada nhận làm con nuôi từ đó. Ngoài Tuyết ra còn có 7 người con nuôi khác và 3 người con ruột của cặp vợ chồng này.
Lúc sang Canada, Tuyết khoảng 8-9 tuổi và đôi chân bị bại liệt, không đi lại được. Thấy con gái nuôi quyết tâm sống tự lập, cha mẹ nuôi lại đưa Tuyết đến bệnh viện. Sau 2 lần phẫu thuật và gắn dụng cụ hỗ trợ, Tuyết đã có thể đi lại vững chãi hơn.
Chị Tuyết cho biết, những năm sống ở xứ người, chị luôn phải đối mặt với những ánh mắt kỳ thị. Bởi Tuyết là con nuôi, không phải dân bản xứ, lại bị tật nguyền. Thậm chí có người thầy giáo còn thường xuyên đem Tuyết ra làm trò đùa cho lớp học. Quyết không để mọi người coi thường mình, Tuyết luôn nỗ lực vươn lên, tự mình làm tất cả mọi việc.
Chị Tuyết trong lần về Việt Nam
Bao nhiêu năm, người phụ nữ này vẫn mong muốn tìm lại mẹ ruột của mình. Cuối năm 2015, chị biết đến ông Thomas Lê Cao Tâm, người đang thực hiện dự án nhân đạo có tên “Mẹ ơi! Con đã về”, chuyên hỗ trợ tìm kiếm gia đình của những người được cho làm con nuôi ở nước ngoài hoặc gia đình tìm người thân bị thất lạc. Qua ông Tâm, Tuyết biết gia đình cụ Phạm Thị Mười cũng đang tìm con gái thất lạc. Mặc dù thông tin cá nhân của Tuyết rất ít ỏi, chưa thể khớp nối được ngay nhưng có một điều trùng hợp hy hữu là người con gái thất lạc của cụ Mười cũng bị bại liệt đôi chân từ nhỏ giống như Tuyết.
Giữa tháng 4/2015, Phạm Thị Tuyết về Việt Nam và đến xã Điện Phước gặp cụ Phạm Thị Mười. Trong lúc chờ kết quả giám định ADN, giữa chị và cụ Mười đã có sự đồng cảm. Kẻ tìm mẹ, người thất lạc con, người này thấu hiểu nỗi đau của người kia và ôm nhau khóc. Nhìn cảnh tượng đó, tất cả mọi người đều thầm mong họ chính là cặp mẹ - con đang tìm nhau, để họ vơi đi nỗi đau xa cách người thân hơn 40 năm đằng đẵng.
Ấy vậy mà kết quả ADN không như họ mong đợi, cả 2 người phụ nữ đều hi vọng rồi “vỡ vụn” khi biết họ không là mẹ con của nhau. “Điều khiến tôi ngạc nhiên và xúc động, họ bảo, dù kết quả như thế nào họ vẫn muốn tôi là thành viên trong gia đình họ. Họ đã dành cho tôi tình cảm nồng ấm mà chưa bao giờ tôi có được. Bà Mười đã ôm tôi vào lòng như không muốn rời ra. Bà còn muốn tặng tôi tiền. Rồi bà bảo tôi hãy về Việt Nam sống với bà, bà sẽ trao cho tôi tất cả số tài sản còn lại của bà và bà sẽ yêu thương tôi suốt cuộc đời”, chị Tuyết chia sẻ.
Dù kết quả ADN đã có, ai cũng buồn thế nhưng họ vẫn hạnh phúc vì đã coi nhau là mẹ con. Với chị Tuyết được làm con của cụ Mười chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng chị sẽ không bao giờ quên được.
Chị Tuyết trải lòng: “Khi chia tay gia đình bà Mười, tôi đã rất đau lòng. Trên khuôn mặt người mẹ ấy, tôi đã nhìn thấy nỗi khát khao cháy bỏng tìm được đứa con thất lạc. Tình yêu ấy bà đã dành cho tôi khiến tôi không bao giờ quên được. Và tôi mong một ngày nào đó tôi sẽ trở về Việt Nam, để được gặp lại bà...”.